Lấp 25.000 mét vuông đất nông nghiệp và kênh rạch làm nhà hàng

Lấp 25.000 mét vuông đất nông nghiệp và kênh rạch làm nhà hàng

Khu ẩm thực sinh thái Bình Xuyên, chủ đầu tư là ông Trần Duy Nhã, đã bị phát hiện xây dựng sai phép trên diện tích gần 25.000 m2. Điều đáng nói, vi phạm này đã xảy ra 17 năm nay nhưng không được xử lý.

Khu ẩm thực sinh thái Bình Xuyên bị phát hiện xây dựng sai phép trên diện tích hàng chục ngàn mét vuông đấtẢnh: Đình Sơn

Đất lúa, đất rạch, đất trồng cây lâu năm... đều vi phạm

Mới đây, Thanh tra TP.HCM đã kết luận hàng loạt sai phạm về xây dựng, đất đai tại huyện Bình Chánh. Trong đó có làng ẩm thực sinh thái Bình Xuyên (có địa chỉ số C3/18 ấp 4, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TP.HCM) đã lấp gần 25.000 m2 đất nông nghiệp và rạch để xây dựng các công trình và làm thành làng ẩm thực. Điều đáng nói, làng ẩm thực sinh thái Bình Xuyên đã hoạt động tấp nập hàng chục năm nay.

Nhiều hạng mục kiên cố được xây dựng Ảnh: Đình Sơn

Theo báo cáo của UBND xã Bình Hưng, khu đất xây dựng làng ẩm thực sinh thái Bình Xuyên trước đây thuộc quyền sử dụng của gia đình ông Võ Văn Dìa, Võ Văn On, Nguyễn Văn Lợi, một phần rạch... và một phần 2.322 m2 thuộc quyền sử dụng của gia đình ông Nhã. Khoảng năm 2000 đến 2003, ông Dìa và ông On san lấp toàn bộ phần rạch, thổ vườn và sử dụng. Đến khoảng năm 2008 thì gia đình ông Trần Duy Nhã mới thương lượng thuê lại, năm 2010 bắt đầu đào ao, lấy đất đắp lên và dựng các công trình tạm như chòi thực khách ngồi, khu giữ xe....

Đến năm 2013, quán tháo dỡ bãi giữ xe cũ, làm thành khu phòng VIP và các chòi thực khách ngồi lân cận. Từ năm 2015 đến nay, quán không xây dựng thêm các công trình kiên cố, hằng năm có sơn phết, lợp lại lá, tu sửa, di dời những điểm vui chơi (các công trình di động được).

Vi phạm xảy ra 17 năm nhưng đến nay mới được phát hiện Ảnh: Đình Sơn

Theo UBND huyện Bình Chánh, ông Trần Duy Nhã - chủ khu ẩm thực sinh thái này đã thực hiện ba hành vi vi phạm.

Thứ nhất là chiếm đất phi nông nghiệp (đất rạch) ở khu vực nông thôn tại vị trí phần rạch cạnh các thửa 17, 19, 20, 37, 38, 39, 40, 41 tờ bản đồ 03, tổng diện tích vi phạm là 4.844 m2. Trong đó, diện tích chiếm rạch không có công trình xây dựng là 2.725,2 m2. Khu đất này hiện trạng đã san lấp và làm ao câu cá, bồn cây cảnh, sân xi măng và lối đi bộ hành. Diện tích chiếm rạch có hiện trạng công trình 2.118,8 m2, đã xây dựng nhiều hạng mục công trình.

Đất nông nghiệp, rạch đã bị "hô biến" thành các nhà hàng, quán ăn Ảnh: Đình Sơn

Thứ hai là chuyển đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp tại khu vực nông thôn không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép với tổng diện tích vi phạm là 13.568,1 m2.

Thứ ba là chuyển đất trồng cây lâu năm sang đất phi nông nghiệp tại khu vực nông thôn không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép. Tổng diện tích vi phạm là 6.444,9 m2.

Tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng

Theo UBND huyện Bình Chánh, vị trí đất khu ẩm thực Bình Xuyên thuộc khu đô thị Nam TP.HCM (khu B Làng đại học), đã có Quyết định thu hồi đất số 865 ngày 16.11.1996 của Thủ tướng Chính phủ.

Trong khi đó, theo kết luận của Thanh tra TP.HCM, chủ đầu tư khu ẩm thực sinh thái Bình Xuyên chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao đất để thực hiện đầu tư thương mại, dịch vụ nhưng chủ sử dụng đất tự ý chuyển mục đích sử dụng đất thành đất thương mại, dịch vụ không phù hợp quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng (vị trí khu đất thuộc chức năng đất nông nghiệp, đất ao).

Khu ẩm thực sinh thái này đã hoạt động rầm rộ hàng chục năm nay ngay trước mắt cơ quan chức năng Ảnh: Đình Sơn

Đồng thời, chủ đầu tư khu này đã tiến hành triển khai xây dựng không phép trên đất nông nghiệp, đất ao, đất rạch các hạng mục như khu bãi giữ xe (bãi giữ ô tô diện tích 2.227,3 m2, bãi giữ mô tô diện tích khoảng 2.363,9 m2), khu vực phòng VIP (460 m2), khu thực khách ngồi (3.688,7 m2), khu tiếp tân (141 m2), khu nhà bếp (1.317,9 m2), khu nhà kho lưu trữ vật dụng, thức ăn (229 m2), ba khu vui chơi trẻ em ngoài trời (803,8 m2), khu vệ sinh (gồm bốn điểm với diện tích khoảng 330,9 m2)... là thực hiện không đúng quy định pháp luật có liên quan.

UBND huyện Bình Chánh kiến nghị cưỡng chế, khắc phục hậu quả Ảnh: Đình Sơn

Việc chủ sử dụng đất tiến hành xây dựng các công trình sai phạm kéo qua nhiều thời kỳ, từ năm 2003 đến thời điểm thanh tra tháng 3.2020, tức khoảng 17 năm. Hiện còn tồn tại các công trình xây dựng không phép trên đất nông nghiệp, đất ao, đất rạch nhưng huyện Bình Chánh, Thanh tra Sở Xây dựng và xã Bình Hưng chưa xử lý dứt điểm các công trình vi phạm theo đúng quy định pháp luật.

Trước sai phạm lớn như vậy, UBND huyện Bình Chánh đã kiến nghị UBND TP.HCM phạt vi phạm hành chính 210 triệu đồng và buộc thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả.

Công trình bị yêu cầu buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu Ảnh: Đình Sơn

Trong đó, buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm, buộc trả lại đất đã chiếm, xem xét buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện các hành vi vi phạm hành chính nêu trên. Mọi chi phí tổ chức thi hành biện pháp khắc phục hậu quả do ông Trần Duy Nhã chi trả.

Đình Sơn

Thanh niên