Cổ phiếu ngân hàng chuyển động ra sao trong tháng 9?

Cổ phiếu ngân hàng chuyển động ra sao trong tháng 9?

Cổ phiếu ngân hàng tiếp tục vận động theo chiều hướng tích cực trong tháng 9 khi cả thị giá và thanh khoản đều được cải thiện.

Kết thúc phiên 30/09, chỉ số VN-Index tăng 23.56 điểm, tương đương tăng 3% so với cuối tháng 31/08, đóng cửa ở mức 905.21 điểm. Dữ liệu VietstockFinance cho thấy, chỉ số ngành ngân hàng vào cuối phiên 30/09 theo đó cũng tăng 9.21 điểm, tương đương tăng 4% so với cuối phiên 31/08, lên mức 253.14 điểm.

Vốn hóa ngân hàng được ‘bồi’ thêm gần 38,420 tỷ đồng

Giá trị vốn hóa của nhóm ngân hàng đã tăng 38,416 tỷ đồng, lên mức 995,452 tỷ đồng (tính đến phiên 30/09), tương đương tăng 4% so với mức 957,035 tỷ đồng của phiên cuối tháng trước 31/08.

Nguồn: VietstockFinance

Về phía 3 “ông lớn” gốc Nhà nước, VietinBank (CTG) có vốn hóa chỉ tăng 2%  và Vietcombank (VCB) chỉ nhích nhẹ 1% so với cuối tháng trước. Riêng BIDV (BID) có vốn hóa “bay hơi” hơn 603 tỷ đồng so với tháng trước.

Trong khi đó, vốn hóa của những ngân hàng cổ phần tư nhân có sự tăng trưởng đáng  kể như HDB (+10%), STB (+23%), VPB (+2%), MBB (+10%), TCB (+6%), ACB (+6%) so với phiên 31/08. Tăng mạnh nhất vẫn là VIB với mức tăng 26%, tính ra đây là lần thứ 2 liên tiếp ngân hàng được ghi nhận có mức tăng trưởng vốn hóa cao nhất do thông tin tích cực từ việc ngân hàng này đã nộp hồ sơ chuyển từ sàn UPCoM sang sàn HOSE.

Kế đến là LPB có vốn hóa tăng 25% so cuối tháng 08 với thông tin nhà băng này đã nộp hồ sơ chuyển từ sàn UPCoM sang sàn HOSE và được dự kiến sẽ là ngân hàng được chấp thuận niêm yết đầu tiên trong năm 2020.

Không thể bỏ qua câu chuyện của STB trong tháng vừa qua, khi mà ngay trong phiên chiều 22/09, giá cổ phiếu STB tăng trần lên mức 12,550 đồng/cp với khối lượng giao dịch bình quân 45.7 triệu cp. Giá cổ phiếu tăng vọt trong phiên do xuất hiện tin đồn có nhà đầu tư mua lại 176.4 triệu cp STB, tương đương 10% số cổ phiếu đang lưu hành với giá 18,000 đồng/cp từ phía Ngân hàng Kiên Long (Kienlongbank). Tuy nhiên, các bên liên quan đều đã bác bỏ thông tin này.

Sau đó, dù đã có thông tin đính chính, nhưng giá cổ phiếu STB những ngày sau đó vẫn tiếp tục “nhảy múa”, tăng trần trong phiên 25/09 lên mức 13,300 đồng/cp với thanh khoản 39.3 triệu cp. Như vậy, chốt phiên 25/09, giá cổ phiếu STB đã tăng 14% so với đầu tuần, với khối lượng giao dịch bình quân 29 triệu cp/ngày.

Nhìn lại quá khứ, từ năm 2008 đến nay, thị giá cổ phiếu STB chưa bao giờ vượt quá 16,000 đồng (đã tính các đợt chia thưởng và trả cổ tức). Theo đánh giá nhiều bên, sóng cổ phiếu STB lần này được cho là mang nặng dấu ấn của đầu cơ.

Còn trên sàn Hà Nội, ACB chính là cổ phiếu ảnh hướng lớn nhất lên chỉ số HNX-Index.

Ở diễn biến trái chiều, EIB (-1%) và VBB (-1%) là 2 nhà băng có vốn hóa đi lùi so với cuối tháng 08. Trong đó, EIB có vốn hóa giảm có khả năng do ảnh hưởng bởi chi nhánh ngân hàng tại Thành phố Hồ Chí Minh bị cháy giữa tháng 09.

Nguồn: VietstockFinance

Riêng BAB, tuy thị giá của nhà băng này giảm mạnh nhất, ở mức 6% nhưng vốn hóa vẫn tăng nhẹ 2% chủ yếu do Ngân hàng đã phát hành cổ phiếu để trả cổ tức năm 2019 với tỷ lệ thực hiện 9%. Qua đó, số lượng cổ phiếu có quyền biểu quyết của Ngân hàng tăng thêm 58.5 triệu cp, từ 650 triệu cp lên mức 708.5 triệu cp.

Thanh khoản TCB tăng phi mã

Nhìn vào thanh khoản cổ phiếu ngân hàng trong tháng qua, đã có hơn 78 triệu cp/ngày được chuyển giao, tăng 32% so với tháng 8, tương ứng với giá trị giao dịch hơn 1,501 tỷ đồng/ngày, tăng 38% so với tháng trước.

Nguồn: VietstockFinance

Sacombank (STB) vẫn giữ vị trí đứng đầu về thanh khoản với gần 17 triệu cp/ngày được giao dịch trong tháng 9, tăng 87% so với tháng trước. Đây là tháng thứ 6 liên tiếp, STB dẫn đầu về thanh khoản trong nhóm ngân hàng.

Xét về giá trị tương đối, thanh khoản cổ phiếu của Techcombank (TCB) đã được cải thiện và được ghi nhận là nhà băng có thanh khoản tăng mạnh nhất, gấp 2.4 lần cuối tháng 08, đạt gần 8 triệu cp/ngày.

Trong số các nhà băng có thanh khoản giảm như SHB (-22%), ACB (-21%), VIB (-18%), BAB (-14%), EIB (-2%), thì SHB là ngân hàng có thanh khoản giảm mạnh nhất, chỉ còn gần 5 triệu cp/ngày được giao dịch trong tháng 09, giảm 22% so với tháng trước.

Nguồn: VietstockFinance

Khối ngoại mua ròng hơn 56 tỷ đồng

Trong tháng 9, khối ngoại đã mua ròng hơn 9 triệu cp ngành ngân hàng, trong khi tháng trước bán ròng hơn 28 triệu cp. Nếu tính theo giá trị giao dịch, khối ngoại mua ròng hơn 56 tỷ đồng, trong khi tháng trước bán ròng gần 1,048 tỷ đồng.

Nguồn: VietstockFinance

VietinBank là nhà băng vừa có khối ngoại mua ròng mạnh nhất về khối lượng với hơn 27 triệu cp, vừa có giá trị mua ròng lớn nhất với gần 687 tỷ đồng. Trong khi tháng trước ngân hàng có khối ngoại bán ròng gần 28 triệu cp, với giá trị bán ròng hơn 686 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, BID, EIBHDB, LPB, MBB, SHB,STB, TCB, VCBVPB là những nhà băng còn lại có khối ngoại bán ròng. Trong đó khối ngoại bán ròng BID mạnh nhất với hơn 7 triệu cp, giá trị bán ròng gần 293 tỷ đồng, gấp 4.1 lần tháng trước về khối lượng và gấp 4.4 lần về giá trị.

Ái Minh

FILI