Sa thải Esper, Trump có thể khiến Mỹ hứng nhiều rủi ro

Sa thải Esper, Trump có thể khiến Mỹ hứng nhiều rủi ro

Việc Trump sa thải Esper vào giai đoạn chuyển giao có thể làm suy yếu khả năng kiểm soát dân sự với quân đội Mỹ, đe dọa tới an ninh quốc gia.

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 9/11 thông báo trên Twitter rằng ông đã "loại bỏ" Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper, kết thúc nhiều tháng đồn đoán về số phận của người đứng đầu Lầu Năm Góc sau "hục hặc" với Tổng thống.

Vài giờ sau thông báo, nhiều nghị sĩ đảng Dân chủ cảnh báo việc đột ngột sa thải Esper khiến nước Mỹ trở nên nên dễ bị tổn thương trong quá trình chuyển giao quyền lực tổng thống, làm xói mòn cơ chế lãnh đạo dân sự với quân đội và đẩy các tướng hàng đầu của quân đội Mỹ, do Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mark Milley đứng đầu, vào tình huống khó xử.

Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ Adam Smith nói việc Trump sa thải lãnh đạo Lầu Năm Góc làm trầm trọng thêm "các mối đe dọa khác thường" mà Mỹ phải đối mặt trong quá trình chuyển giao quyền lực tổng thống.

"Sa thải các lãnh đạo an ninh quốc gia được bổ nhiệm chính trị trong quá trình chuyển giao quyền lực là động thái gây mất ổn định sẽ khiến đối thủ trở nên táo bạo và đất nước chúng ta gặp nhiều rủi ro hơn", Smith nói. "Quyết định sa thải Bộ trưởng Esper của Tổng thống Trump không chỉ thiếu chín chắn mà còn liều lĩnh".

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Mark Esper (phải) trong lễ nhậm chức bộ trưởng quốc phòng tại Lầu Năm Góc, tháng 7/2019. Ảnh: BQP Mỹ.

Nghị sĩ bang Massachusetts Seth Moulton khẳng định "không nghi ngờ gì" việc Esper bị sa thải vì "không làm theo các chính sách của Trump". "Tôi mong Tổng thống Trump trong 11 tuần tới sẽ không làm gì để khiến đại tướng Milley cùng Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân rơi vào tình thế phải ra quyết định mang tính đảng phái về vấn đề dân sự hay chính trị", Moulton nói.

Mick Mulroy, cựu trợ lý thứ trưởng quốc phòng Mỹ dưới thời Trump, chỉ trích Tổng thống vì sa thải Esper trong quá trình chuyển giao quyền lực đầy biến động. "Tính ổn định ở Bộ Quốc phòng trong thời điểm chuyển giao này rất quan trọng", Mulroy nói và khẳng định tính liên tục của hệ thống chỉ huy là điều quan trọng, "Thay thế Esper bây giờ là vô trách nhiệm".

Vài tháng trước bầu cử Mỹ, một số đảng viên Dân chủ bày tỏ lo ngại Trump có thể sử dụng quân đội Mỹ ở trong hoặc ngoài nước để giúp bản thân nắm giữ quyền lực. Các nhà lập pháp cáo buộc Trump "chơi đùa với chính trị" liên quan đến sự hiện diện quân sự tại Mỹ tại nước ngoài, bao gồm Afghanistan.

Trump trước đó tuyên bố rút toàn bộ lực lượng đang đồn trú tại Afghanistan trước năm 2021, bất chấp việc các quan chức Lầu Năm Góc cho rằng việc rút quân phải dựa trên điều kiện thực địa.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper trong lễ đón người đồng cấp Anh Ben Wallace tại Lầu Năm Góc, ngày 5/3. Ảnh: Reuters.

Truyền thông Mỹ đưa tin lãnh đạo Thượng viện đã tìm cách ngăn Nhà Trắng sa thải Esper, trong đó có Jim Inhofe, chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ.

Inhofe phàn nàn rằng Trump không thông báo trước việc sẽ bãi nhiệm Esper. "Tôi rất thân thiết với Bộ trưởng Quốc phòng Esper, do đó tôi nói chuyện với Tổng thống và cố gắng bày tỏ ý kiến cá nhân. Song đó là đặc quyền Tổng thống và ông ấy đã đưa ra quyết định", Inhofe nói và từ chối bình luận về việc Esper bị sa thải.

Cựu bộ trưởng Esper từng bị đánh giá là "người cái gì cũng gật với Tổng thống" khi đứng ngoài "các quyết định gây rối loạn an ninh quốc gia" của Trump. Tuy nhiên, Esper sau đó ngày càng phản đối dữ dội các quyết định của Trump, khiến Tổng thống Mỹ tức giận.

Bất đồng giữa Trump và Esper ngày càng tăng sau khi cựu bộ trưởng quốc phòng hồi tháng 6 công khai phản đối quyết định điều binh sĩ trấn áp biểu tình do Tổng thống Mỹ đưa ra. Phản ứng của Esper "chọc giận" một số người trong Nhà Trắng, các nguồn thân cận với vấn đề cho biết. Trump sau đó nhiều lần chỉ trích và thậm chí chế nhạo Esper trước công chúng, đồng thời dọa sa thải ông.

Esper ngày 4/11 trả lời phỏng vấn độc quyền với độc quyền với Military Times, được coi là một động thái "phòng ngừa", khi ông dự cảm được mình trước sau cũng bị Trump sa thải vì không phải là một người "cái gì cũng gật" với Tổng thống.

"Tôi có thể chiến đấu về bất cứ thứ gì, biến nó thành một trận chiến lớn và sống chết vì nó. Vì sao ư? Ai sẽ là người thay thế tôi? Đó sẽ là một người 'chỉ biết gật đầu' đích thực", Esper nói.

Người tiếp quản vị trí của Esper tại Lầu Năm Góc là Christopher Miller, giám đốc Trung tâm Chống Khủng bố Quốc gia. Miller đã dự loạt cuộc họp liên quan từ mã hạt nhân đến các chiến dịch Mỹ đang triển khai trên thế giới, một quan chức quốc phòng cho biết. Miller thông báo cho các nhân viên Lầu Năm Góc là chưa có thay đổi lập tức nào với các nhiệm vụ của quân đội Mỹ.

Nguyễn Tiến

Vnexpress