Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: "TTCK bổ sung khoảng 115 tỷ đô vào tài sản quốc gia trong 4 năm"

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: "TTCK bổ sung khoảng 115 tỷ đô vào tài sản quốc gia trong 4 năm"

Sáng ngày 10/11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có bài phát biểu về tình hình kinh tế xã hội của Việt Nam trong 4 năm qua tại phiên giải trình và trả lời chất vấn, Kỳ họp thứ 10, Quốc hội Khoá XIV.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc làm rõ thêm một số vấn đề liên quan thuộc trách nhiệm của Chính phủ và trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Nói về Thị trường chứng khoán Việt Nam, Thủ tướng cho biết, thị trường chứng khoán vào thời điểm đầu năm 2016 chỉ đạt 500 điểm nhưng đã sớm đạt kỷ lục trong lịch sử thị trường chứng khoán Việt Nam với 1,200 điểm vào tháng 4 năm 2018. Dưới tác động của Covid-19 và suy thoái của kinh tế toàn cầu, chỉ số VN-Index vẫn duy trì ở mức trên dưới 950 điểm. Quy mô vốn hóa thị trường chứng khoán đạt trên 100% GDP, trong đó riêng thị trường cổ phiếu xấp xỉ 70% GDP, giúp bổ sung thêm khoảng 115 tỷ đô-la vào tài sản quốc gia so với cách đây 4 năm.

Theo Thủ tướng, mỗi năm Việt Nam chứng kiến hàng triệu tỷ đồng vốn đầu tư đang đổ vào và hàng triệu việc làm đang được tạo ra trên khắp cả nước vv… Việt Nam cần tiếp tục phải duy trì được nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, nhất quán mục tiêu kiểm soát lạm phát ở mức thấp (dưới 4%) và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Phấn đấu Việt Nam luôn là nền kinh tế năng động, sáng tạo, phát triển nhanh nhưng ổn định, bền vững, không để xói mòn các yếu tố nền tảng vĩ mô mà chúng ta đã dày công tạo dựng.

Trong bài phát biểu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nói về việc xác định muc tiêu tăng trưởng 2021 khoảng 6% do đại biểu Quốc hội nêu, Thủ tướng Chính phủ nhận thấy mức tăng trưởng này còn khiêm tốn so với tiềm năng của đất nước và nhất là xuất phát từ mức thấp của năm 2020 do ảnh hưởng của dịch bệnh. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh còn phức tạp, cùng với những, căng thẳng, diễn biến chính trị khó lường trong khu vực và trên thế giới, có thể ảnh hưởng tiêu cực hoặc tích cực tới triển vọng phục hồi kinh tế  toàn cầu, Chính phủ đang chỉ đạo xây dựng các kịch bản tăng trưởng và phương án hành động khác nhau, để bất luận trong trường hợp nào, Việt Nam vẫn giữ được sự chủ động chiến lược và hoàn thành các  mục tiêu kinh tế - xã hội tốt nhất.

Nhật Quang

FILI