Cuộc khủng hoảng năng lượng tại Mỹ đẩy giá dầu tăng vọt

Cuộc khủng hoảng năng lượng tại Mỹ đẩy giá dầu tăng vọt

Cuộc khủng hoảng năng lượng đang dần trở nên nghiêm trọng hơn khi mà ít nhất 5 triệu người dân Mỹ đang chịu cảnh mất điện.

Các căn nhà và cơ sở kinh doanh từ Bắc Dakota cho tới Texas đang bị mất điện giữa đợt đóng băng chưa từng thấy – trong đó nhiệt độ đã xuống thấp kỷ lục ở nhiều nơi tại nước Mỹ. Các nhà quản lý mạng lưới điện không thể nói chắc khi nào mới có điện trở lại trong bối cảnh thời tiết lạnh giá được dự báo tiếp diễn cho tới ngày 17/02.

Các trung tâm y tế đang gấp rút bảo quản vắc-xin trước khi chúng bị hư. Các chuyến bay bị tạm ngưng. Các cơ sở sản xuất hơn 1 triệu thùng dầu/ngày và 10 tỷ feet khối khí đốt bị đóng cửa khi mà các đường ống dẫn dầu khí rơi vào trạng thái bất khả kháng (force majeure) và các nhà máy lọc dầu quy mô lớn đã ngừng sản xuất xăng và dầu diesel. Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tuyên bố trình trạng khẩn cấp đối với Texas, đồng thời cung cấp thêm nguồn lực để trợ giúp.

“Tôi đã theo dõi thị trường năng lượng và vấn đề mạng lưới điện trong một khoảng thời gian dài. Vậy mà tôi chẳng thể nhớ nổi một hiện tượng thời tiết nào có thể ảnh hưởng sâu rộng đến nước Mỹ như thế này – tình hình rất nguy cấp”, Neil Chatterjee, Thành viên của Ủy ban Điều tiết Năng lượng Liên bang Mỹ, cho hay.

Đợt bão tuyết này chỉ là một trong chuỗi sự kiện thời tiết khắc nghiệt vốn đã gây ảnh hưởng tới mạng lưới điện và làm đảo lộn thị trường năng lượng toàn cầu từ Nhật Bản cho tới Pakistan và Pháp trong vài tháng gần đây. Điều này thể hiện rõ hơn thế giới dễ bị tổn thương đến nhường nào trước những sự kiện thời tiết ngày càng khó lường (bắt nguồn từ biến đổi khí hậu) và làm dấy lên sự hoài nghi về làn sóng điện khí hóa mọi thứ từ phương tiện vận tải cho tới thiết bị sưởi trên toàn cầu.

Khoảng 4.3 triệu ngôi nhà và cơ sở kinh doanh tại Texas bị mất điện trong ngày 16/02, dựa trên dữ liệu từ Poweroutage.us. Thêm 500,000 cơ sở bị mất điện ở những bang từ Louisiana cho tới Ohio và Virginia. Tại Oregon và California, hơn 300,000 cơ sở bị mất điện.

Ở Mexico, hơn 4.7 triệu căn nhà và cơ sở kinh doanh cũng chìm vào bóng tối, nhưng 65% cơ sở trong số này đã có điện trở lại vào giữa ngày 16/02, theo nhà vận hành mạng lưới điện Cenace. Theo dự báo, thời tiết giá lạnh sẽ tiếp diễn ở vùng Trung Mỹ trong tuần này.

Các điều kiện thời tiết khắc nghiệt như thế này cực kỳ hiếm xảy ra, nhất là ở một số khu vực của Texas. Ở Houston – thành phố lớn nhất của Texas, các con đường bị đóng băng và người dân xếp hàng hàng dài để đổ đầy các hộp khí propan gia dụng. Đồng thời, người dân cũng đổ xô đi mua củi, trong khi các cửa hàng tạp hóa đã hết sạch các mặt hàng thiết yếu bao gồm cả sữa.

Bên cạnh những tác động tới đời sống người dân, thời tiết lạnh giá đang làm chao đảo ngành năng lượng. Sản lượng dầu của Mỹ đã giảm 1.5 triệu-1.7 triệu thùng/ngày, từ đó đẩy giá dầu WTI vượt 60 USD/thùng lần đầu tiên sau hơn 1 năm. Khu liên hợp lọc dầu của Texas - nơi sản xuất gần một nửa lượng nhiên liệu của cả nước - đang rơi vào tình thế khó khăn khi bị mất điện. Một số nhà máy lọc dầu lớn nhất đã đóng cửa hoàn toàn, có nguy cơ làm giảm nguồn cung xăng và dầu diesel trên toàn quốc.

Hôm thứ Hai (15/02), Dan Woodfin, Giám đốc cấp cao của một tổ chức quản lý lưới điện tại Texas cho biết, rằng tình trạng mất điện kéo dài có thể sẽ kéo dài đến hết ngày 17/02. Nhà điều hành lưới điện cho vùng Trung Tây của nước Mỹ cũng cho biết nhu cầu đã gần vượt quá nguồn cung trong đêm 15/02.

Các nhà giao dịch đang so sánh giữa tình trạng thiếu năng lượng hiện tại ở vùng Trung nước Mỹ với cuộc khủng hoảng năng lượng 2000-2001 ở miền Tây nước Mỹ cũng như đợt giá điện tăng vọt ở Trung Tây trong năm 1998. Chỉ vài tháng trước, California đã buộc phải tiến hành đợt cúp điện đầu tiên sau hai thập kỷ khi nhiệt độ khắc nghiệt đẩy nhu cầu điện vượt quá công suất.

Vũ Hạo (Theo Bloomberg)

FILI