Người Mỹ lún sâu vào mua trả góp

Người Mỹ lún sâu vào mua trả góp

Các công ty cung cấp dịch vụ "mua trước, trả sau" ở Mỹ vừa trải qua năm 2020 ăn nên làm ra nhờ khách hàng tăng mạnh mùa dịch.

Đầu năm ngoái, Leondra Garrett (Bắc Carolina) mua 3 đôi giày mới trị giá 161 USD. Cô chia thanh toán thành 4 đợt, thông qua dịch vụ "mua trước, trả sau". Bây giờ, cô thừa nhận nên đọc kỹ các điều khoản về thanh toán trễ hạn.

Khi nhà cung cấp dịch vụ "mua trước, trả sau" (BNPL) cố gắng rút khoản thanh toán từ tài khoản ngân hàng của Garrett vài tháng sau đó, cô đã không có đủ tiền để chi trả. Ngay sau đó, người phụ nữ 42 tuổi này đã bị phạt 40 USD và trừ 10 điểm tín dụng, xuống còn 650.

"Điều quan trọng đối với người tiêu dùng là phải luôn đọc các điều khoản và không phải lúc nào ta cũng làm", Garrett nói.

Tại Mỹ, dịch vụ "mua trước, trả sau" được cung cấp bởi các công ty như Affirm Holdings, Klarna, Afterpay Ltd và "Pay In 4" của PayPal. Chúng nở rộ trên các trang web bán lẻ trong mùa đại dịch, khi mọi người chuyển sang mua sắm trực tuyến nhiều hơn.

Một người mua sắm thử quần áo tại một cửa hàng ở New York ngày 5/7/2020. Ảnh: Reuters.

Tuy nhiên, giải pháp giúp mua sắm dễ dàng hơn này đang khiến một số cơ quan quản lý trên thế giới lo ngại. Họ ngại rằng người tiêu dùng có thể tiêu tiền nhiều hơn mức họ có thể chi trả.

Theo một nghiên cứu của Credit Karma, gần 40% người tiêu dùng Mỹ sử dụng dịch vụ "mua trước, trả sau" đã trễ nhiều hơn một lần thanh toán. 72% trong số đó bị trừ điểm tín dụng.

Nghiên cứu được thực hiện theo yêu cầu Reuters, khảo sát 1.038 người tiêu dùng trưởng thành ở Mỹ để đánh giá mức độ quan tâm đến việc "mua trước, trả sau", cho thấy 42% người được hỏi đã từng sử dụng dịch vụ này.

"Tỷ lệ người tiêu dùng nợ các khoản thanh toán là đáng kể và không thấp như ta mong đợi", Gannesh Bharadhwaj, Tổng giám đốc thẻ tín dụng tại Credit Karma, nhận định. Theo ông, khi người ta mua sắm quá thuận tiện, họ có thể không thực sự nghĩ "Tôi có đủ ngân sách không? Tôi có thể chi trả khoản thanh toán này không?". Cuối cùng, các hành vi mua sắm bốc đồng dẫn đến mất khả năng chi trả.

Điểm tín dụng thấp hơn có thể khiến người tiêu dùng khó vay hơn, dù là vay thế chấp hay qua thẻ tín dụng mới. Nó thậm chí có thể gây khó khăn hơn cho người tiêu dùng trong việc tìm nhà ở, vì chủ nhà thường kiểm tra điểm tín dụng trước khi cho thuê.

Nhà tư vấn quản lý Oliver Wyman ước tính các công ty cung cấp dịch vụ "mua trước, trả sau" (BNPL) đã tạo điều kiện cho các giao dịch tổng trị giá từ 20 tỷ đến 25 tỷ USD ở Mỹ vào năm ngoái. Các công ty này cũng thừa nhận, thị trường đã bùng nổ vào năm 2020.

Afterpay (Australia) cho biết đã chứng kiến lượng khách hàng tại Mỹ tăng hơn gấp đôi, lên 6,5 triệu trong năm tài chính kết thúc vào ngày 30/6/2020. Doanh số bán hàng của họ tăng hơn gấp ba, trong quý III năm ngoái so với cùng kỳ 2019. Hơn một nửa khách hàng của Afterpay tại Mỹ tuổi từ 25 đến 40.

Các công ty BNPL có các mô hình doanh thu khác nhau. Một số kiếm được hầu hết lợi nhuận bằng cách thu phí từ người bán. Những công ty khác tính lãi và phí trả chậm cho người tiêu dùng. Họ tuyên bố dịch vụ của họ giúp người bán tăng doanh số và người tiêu dùng mua những thứ họ cần, đồng thời ít gây thiệt hại về tài chính hơn so với thẻ tín dụng.

Tuy nhiên, các cơ quan quản lý ở Anh và Australia đang xem xét hoặc thắt chặt các quy định cho ngành này. Các nhà cung cấp dịch vụ BNPL, được phân loại là các công ty fintech, nên tuân theo các quy định chặt chẽ hơn giống như ngân hàng, một số nhà quản lý cho biết.

Không rõ việc "mua trước, trả sau" có phù hợp với các quy định của Mỹ hay không vì các công ty cung cấp các dịch vụ này không có điều lệ như ngân hàng, một số không tính lãi suất và luật ở các bang cũng khác nhau. Tuy nhiên, một số chuyên gia kỳ vọng lĩnh vực này sẽ được giám sát chặt chẽ hơn trong quá trình quản lý của Biden.

"Một trong những câu hỏi đặt ra với chính quyền mới là Cục Bảo vệ Tài chính Người tiêu dùng sẽ thực hiện lập trường nào trong tương lai?", Mark Palmer, Nhà phân tích tài chính tại BTIG Research cho biết.

Affirm có trụ sở tại San Francisco, chứng kiến doanh thu tăng 93%, lên 509,5 triệu USD, trong năm tài chính kết thúc vào tháng 6/2020. Họ cho phép người mua hàng chia nhỏ thanh toán trong các kỳ hạn từ sáu tuần đến bốn năm, với lãi suất từ 0 đến 30%.

Affirm cho khách hàng biết khoản vay sẽ có giá bao nhiêu tính theo USD và không tính phí trả chậm hoặc lãi kép. Silvija Martincevic, Giám đốc thương mại của Affirm cho biết họ cùng công cụ trí tuệ nhân tạo để phân tích các khách hàng trước khi đưa ra quyết định cho vay.

Tại Afterpay, khách hàng bị cấm sử dụng dịch vụ sau khi họ trễ một lần thanh toán. Công ty cho biết 95% giao dịch của họ trên toàn cầu được hoàn trả đúng hạn và phí trả trễ đóng góp ít hơn 14% tổng thu nhập của công ty.

Dịch vụ "Pay in 4" của PayPal, được ra mắt rộng rãi tại Mỹ vào tháng 11 năm ngoái, cho phép khách hàng chia nhỏ các khoản thanh toán từ 30 đến 600 USD thành 4 lần không tính lãi. Phí trả chậm có thể được áp dụng cho các khoản thanh toán bị bỏ lỡ, tùy thuộc vào bang cư trú của họ.

Greg Lisiewski, Phó chủ tịch toàn cầu của PayPal về Global Pay Later, cho biết sản phẩm "Pay in 4" ở Mỹ không báo cáo các giao dịch hoặc phí trễ hạn cho văn phòng tín dụng. "Chúng tôi đang làm việc với ngành và các cơ quan tín dụng tiêu dùng để phát triển khuôn khổ phù hợp", ông nói.

David Sykes, Người đứng đầu của Klarna (Thụy Điển) taị Mỹ cho biết thị trường này đã tăng trưởng nhanh chóng trong năm qua, đặc biệt là các giao dịch trong khoảng 100 - 200 USD.

Hầu hết khoản vay của Klarna đều nhỏ, thời hạn ngắn và không tính lãi suất, an toàn hơn cho khách hàng so với thẻ tín dụng, ông nói. Khách hàng có thể trả chậm một lần mà không bị phạt. Phí trả chậm thay đổi theo từng tiểu bang phù hợp với quy định, tối đa là 21 USD và công ty đang triển khai giới hạn 25%. "Không ai có thể mắc nợ với Klarna. Chúng tôi không cho vay nhiều năm để mua một chiếc ôtô hay một ngôi nhà", ông giải thích.

Các chuyên gia cho biết các khoản vay nhỏ hơn với thời hạn ngắn hơn có lợi, nhưng chúng vẫn có rủi ro nhất định. Khách hàng có thể đang gánh nhiều khoản nợ hơn mức họ có thể xử lý, ngay cả khi khoản nợ đó là một phần nhỏ.

Tamika Rivera, một người bán bảo hiểm 35 tuổi ở Springfield, Massachusetts, đã bỏ lỡ các khoản thanh toán. Trong một trường hợp, cô không có đủ tiền để trả góp cho chiếc áo len trị giá 43 USD, dẫn đến khoản phí thấu chi 35 USD. "Những dịch vụ này rất tiện lợi nhưng có một số điều tiêu cực có thể xảy ra", Rivera nói.

Alan McIntyre, người đứng đầu hoạt động ngân hàng toàn cầu của Accenture, cho biết, điểm lạc quan là thế hệ trẻ không muốn mắc nợ và muốn xây dựng ngân sách tốt hơn. Nhưng bi quan ở chỗ là 40% người sử dụng dịch vụ "mua trước, trả sau" là vì họ không thể tiếp cận với tín dụng truyền thống vì đã sử dụng hết hạn mức tín dụng hoặc vì lịch sử tín dụng kém hoặc không tồn tại.

Phiên An

Vnexpress