Nikkei: Mỹ cùng đồng minh lập chuỗi cung ứng không có Trung Quốc

Nikkei: Mỹ cùng đồng minh lập chuỗi cung ứng không có Trung Quốc

Tổng thống Joe Biden chuẩn bị ký một sắc lệnh điều hành ngay trong tháng này với mong muốn đẩy nhanh hợp tác với các đồng minh để xây dựng một chuỗi cung ứng giảm phụ thuộc vào Trung Quốc trong lĩnh vực chip và các sản phẩm quan trọng chiến lược khác. Mỹ dự định hợp tác với các công ty Đài Loan, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Trong sắc lệnh, Mỹ cho biết "sự phối hợp với các đồng minh có thể tạo ra một chuỗi cung ứng bền vững và mạnh mẽ". Điều đó cho thấy mối quan hệ quốc tế sẽ là trọng tâm của kế hoạch này.

Mỹ được cho là sẽ bắt tay với Đài Loan, Nhật Bản và Hàn Quốc trong lĩnh vực sản xuất chip và các nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương, bao gồm Australia, trong lĩnh vực khai thác đất hiếm.

Washington lên kế hoạch chia sẻ thông tin với các đồng minh trên mạng lưới cung ứng các sản phẩm quan trọng và sẽ tìm cách đẩy mạnh công suất sản xuất bổ sung. Mỹ cũng xem xét một khuôn khổ để chia sẻ nhanh chóng những mặt hàng trên trong trường hợp khẩn cấp, cũng như thảo luận về việc đảm bảo kho dự trữ và năng lực sản xuất dự phòng. Các đối tác có thể được yêu cầu giảm làm ăn với Trung Quốc.

Vấn đề trên càng trở nên cấp thiết giữa lúc thiết hụt chip trầm trọng – một yếu tố gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các nhà sản xuất ôtô của Mỹ. Theo Boston Consulting Group, thị phần của Mỹ về công suất sản xuất chất bán dẫn toàn cầu đã chỉ còn 12%, giảm từ 37% trong năm 1990.

Mỹ đã yêu cầu Đài Loan - nhà sản xuất chip hàng đầu thế giới với 22% thị phần - tăng sản lượng. Tuy nhiên, các nhà máy tại đây đã hoạt động hết công suất và có rất ít lựa chọn để thúc đẩy nguồn cung trong ngắn hạn.

Trong khi đó, Boston Consulting dự báo Trung Quốc sẽ sớm vươn lên top 1 thế giới với thị phần 24% vào năm 2030, nhờ một phần từ sự trợ cấp khoảng 100 tỷ USD của Chính phủ.

Tình trạng phụ thuộc quá lớn vào Trung Quốc đối với các sản phẩm quan trọng sẽ gây rủi ro an ninh. Bắc Kinh đã sử dụng quy định để tạo sức ép lên những đối tác thương mại, chẳng hạn áp lệnh cấm xuất khẩu đất hiếm sang Nhật Bản hồi năm 2010 giữa lúc diễn ra tranh chấp quần đảo Senkaku.

Mỹ nhập khẩu khoảng 80% đất hiếm từ Trung Quốc và phụ thuộc tới 90% sản phẩm y tế từ nước này.

Việc tái cấu trúc chuỗi cung ứng có thể tốn khá nhiều thời gian, nhất là trong lĩnh vực bán dẫn. Điều này là do số lượng gã khổng lồ sản xuất chip hàng đầu thế giới có giới hạn. Các công ty này có tác động rất lớn vì họ là bên ra quyết định có nên bắt tay Mỹ hay không. Vì vậy, Mỹ cần sự hợp tác từ những chính phủ khác.

“Tôi nghe nói rằng Mỹ sẽ đánh giá kỹ càng chuỗi cung ứng để phân loại mức độ phụ thuộc vào từng quốc gia đối với chất bán dẫn và đất hiếm",  một nguồn tin từ chính phủ Nhật Bản cho biết. "Mỹ sẽ đưa ra các biện pháp giải quyết cùng với đồng minh", người này nói thêm.

Mỹ đã bắt đầu tạo nền móng cho sự hợp tác từ mùa thu năm ngoái, khi kêu gọi các nền kinh tế giàu tài nguyên hoặc công nghệ như Đài Loan, Nhật Bản và Australia tham gia vào việc tháo gỡ chuỗi cung ứng từ Trung Quốc giữa lúc nhen nhóm căng thẳng với Bắc Kinh.

Đài Bắc nhanh chóng đáp lời. Hồi tháng 11/2020, các quan chức của Mỹ và Đài Loan đã ký kết một biên bản ghi nhớ nhằm thúc đẩy hợp tác công nghệ trong bảy lĩnh vực, bao gồm cả thiết bị bán dẫn và kết nối 5G, cũng như “đảm bảo chuỗi cung ứng an toàn và đáng tin cậy”.

Tháng 5/2020, Taiwan Semiconductor Manufacturing Co. (TSMC) - nhà sản xuất chip hàng đầu thế giới - tuyên bố sẽ xây dựng một nhà máy chế tạo chip trị giá 12 tỷ USD ở Arizona (Mỹ) và đây có thể được xem là biểu tượng cho mối quan hệ song phương giữa Mỹ và Đài Loan. Chính phủ Mỹ đang trợ cấp cho dự án này.

Kể từ năm 2020, Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản cũng dẫn dắt nỗ lực thu hút TSMC bước chân vào xứ sở mặt trời mọc, với mục đích thiết lập một mạng lưới cung ứng ba chiều vững chắc và đảm bảo nguồn cung chip tân tiến cho Nhật Bản trong tương lai.

Chính phủ đã chi ngân sách đến 200 tỷ Yên (1.9 tỷ USD) nhằm "trải thảm đỏ" cho nhà sản xuất chip, với mục đích hướng TSMC hợp tác với các doanh nghiệp Nhật Bản.

Họ đã đạt được kết quả khi TSMC đang có kế hoạch xây dựng một trung tâm nghiên cứu và phát triển trị giá 20 tỷ Yên tại Nhật Bản.

Trong lĩnh vực đất hiếm, Mỹ đang hợp tác với Australia để đối phó với sự thống trị của Trung Quốc. Công ty khai thác đất hiếm Lynas tại Australia đang xây dựng một cơ sở chế tạo ở bang Texas với sự hỗ trợ tài chính từ Bộ Quốc phòng Mỹ.

Pin xe điện cũng là một lĩnh vực cần các chính phủ can thiệp. Bởi Panasonic và LG của Hàn Quốc đang đánh mất thị phần vào tay các đối thủ Trung Quốc.

Thế nhưng, trong các lĩnh vực khác, như 5G, việc lập chuỗi cung ứng mới có thể rất tốn kém đối với doanh nghiệp Mỹ và Nhật Bản vì họ không thể tiếp cận với những nhà cung cấp chip Trung Quốc giá rẻ hơn như Huawei Technologies.

Vũ Hạo (Theo Nikkei Asia)

FILI