Eximbank: ĐHĐCĐ thường niên 2021 lần 1 bất thành

Eximbank: ĐHĐCĐ thường niên 2021 lần 1 bất thành

Sáng ngày 27/04/2021, Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank, HOSE: EIB) tiếp tục không tổ chức được ĐHĐCĐ thường niên 2021.

Ông Trần Ngọc Dũng - Trưởng Ban thẩm tra tư cách cổ đông cho biết tính đến 9h30, chỉ có 54 cổ đông tham dự, đại diện cho 41.65% cổ phần tham dự với hơn 512 triệu cổ phần. Do vậy, Đại hội không đủ điều kiện tiến hành.

Như vậy, sau khi ĐHĐCĐ thường niên 2020 lần 3 tổ chức bất thành vào ngày 26/04/2021 thì Đại hội thường niên 2021 của EIB sáng nay (27/04/2021) tiếp tục không thành.

Chuyện nhân sự chưa thấy hồi kết

Một ngày trước (26/04/2021), tại ĐHĐCĐ thường niên lần 3 năm 2020, Eximbank đã công bố danh sách đề cử nhân sự dự kiến làm thành viên HĐQT nhiệm kỳ VII (2020-2025). Danh sách này được chấp thuận theo Công văn số 2780/NHNN-TTGSNH ngày 26/4/2021 của Ngân hàng Nhà nước về việc đề nghị chấp thuận nhân sự dự kiến làm thành viên HĐQT, BKS nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Chỉ có 4 nhân sự được đề cử gồm bà Lê Hồng Anh, ông Đào Phong Trúc Đại, ông Nguyễn Hiếu và ông Yasuo Takeuchi.

Cả 4 nhân sự được đề cử này đều là gương mặt mới, trong khi 9 người thuộc HĐQT Eximbank nhiệm kỳ hiện tại không có tên trong danh sách đề cử.

Trước thềm tổ chức 2 cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2020 lần 3 và năm 2021, 2 nhóm cổ đông đã có văn bản đề nghị miễn nhiệm một loạt thành viên HĐQT.  Trong đó, một nhóm đề nghị miễn nhiệm ông Yasuhiro Saitoh; ông Lê Minh Quốc; ông Cao Xuân Ninh; ông Lê Văn Quyết; ông Ngô Thanh Tùng. Nhóm còn lại đề nghị miễn nhiệm ông Hoàng Tuấn Khải; ông Đặng Anh Mai và bà Lương Thị Cẩm Tú.

Và cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2020 lần 3 đã không thể tiến hành do cổ đông không thông qua quy chế Đại hội dù tỷ lệ cổ đông tham gia đủ điều kiện tiến hành.

Sửa điều lệ người đại diện pháp luật

Theo quy định Luật các Tổ chức tín dụng 2010 cũng như Điều lệ Eximbank, “Tổng Giám đốc là đại diện theo pháp luật của Ngân hàng”. Tuy nhiên, thực tế hoạt động xảy ra trường hợp hợp đồng lao động của Tổng Giám đốc hết hiệu lực, việc miễn nhiệm chức danh Tổng Giám đốc Ngân hàng chưa hoàn tất thủ tục theo quy định để kịp thời bổ nhiệm nhân sự thay thế.

Theo quy định hiện hành, chức danh Tổng Giám đốc ngân hàng phải được NHNN xem xét chấp thuận nhân sự dự kiến trước khi HĐQT bổ nhiệm. Do đó, trong thời gian khuyết chức danh Tổng Giám đốc đảm bảo đủ cơ sở pháp lý đại diện cho Eximbank thực hiện các quyền và nghĩa vụ phát sinh, Eximbank trình ĐHĐCĐ sửa đổi điều lệ Ngân hàng.

Đề xuất sửa đổi Người đại diện theo pháp luật của Ngân hàng là “Tổng Giám đốc hoặc Chủ tịch HĐQT trong thời gian khuyết chức danh Tổng Giám đốc mà chưa hoàn tất bổ sung bầu thay thế”, thay vì chỉ có “Tổng Giám đốc” như điều lệ hiện hành.

Hiện nay, Eximbank vẫn chưa bổ sung được nhân sự cho vị trí Tổng Giám đốc. Ông Nguyễn Cảnh Vinh đang nắm giữ chức Quyền Tổng Giám đốc Ngân hàng.

ĐHĐCĐ thường niên 2021 của EIB sáng 27/04/2021 tại Hà Nội lại không thể diễn ra.

Sửa điều kiện tiến hành họp ĐHĐCĐ

Là nhà băng duy nhất đến nay vẫn chưa thể tổ chức thành công ĐHĐCĐ 2020 dù đã từng triệu tập cổ đông rất nhiều lần nhưng đều thất bại do không đủ tỷ lệ tham dự hoặc lý do khách quan như dịch bệnh.

Theo kế hoạch trong ĐHĐCĐ thường niên 2021 sáng nay (27/04), Eximbank trình sửa đổi tỷ lệ số cổ đông dự họp trên tổng số cổ phần có quyền biểu quyết để có thể tiến hành ĐHĐCĐ giảm từ 65% xuống 50%.

Nếu cuộc họp lần thứ nhất không đủ điều kiện tiến hành, thì thông báo mời họp lần thứ 2 phải được gửi trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày dự định họp lần thứ nhất. ĐHĐCĐ lần thứ hai được tiến hành khi tỷ lệ giảm từ 51% xuống 33%.

Trường hợp cuộc họp lần thứ 2 không đủ điều kiện tiến hành, cuộc họp lần thứ 3 sẽ được tiến hành không phụ thuộc vào tỷ lệ cổ đông dự họp.

Đồng thời, HĐQT Eximbank cũng muốn điều chỉnh tỷ lệ tán thành để thông qua quyết định của ĐHĐCĐ từ 65% xuống 50%.

Muốn trả cổ tức sau 7 năm không chia

Một vấn đề khác được HĐQT Ngân hàng trình cổ đông tại ĐHĐCĐ thường niên 2021 là việc chi trả cổ tức sau 7 năm không chia. Eximbank cho biết theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tổ chức tín dụng bán nợ cho VAMC có thời hạn trên 5 năm hoặc được gia hạn thời hạn trái phiếu đặc biệt sẽ không được chia cổ tức để tạo nguồn xử lý nợ xấu cho tới khi trái phiếu đặc biệt có thời hạn trên 5 năm hoặc trái phiếu đặc biệt đã gia hạn được thanh toán.

Eximbank được NHNN chấp thuận tổng thời gian gia hạn và thời gian gốc là 10 năm kể từ ngày phát hành đối với trái phiếu đặc biệt phát hành từ năm 2015 trở về trước. Các trái phiếu đến cuối năm 2020 còn một phần chưa được thanh toán hết. Tuy nhiên, đến ngày 30/03/2021, Eximbank đã thanh toán hết trái phiếu đặc biệt VAMC.

Do đó, Eximbank đã có văn bản trình NHNN chấp thuận cho Eximbank được chia cổ tức bằng cổ phiếu trong năm 2021. Sau khi được NHNN chấp thuận, Eximbank sẽ trình cổ đông phương án phân phối cụ thể, dự kiến với số lợi nhuận được chia sau khi trừ các quỹ năm 2018, 2019, 2020 là gần 2,214 tỷ đồng. Sau khi trừ đi số cổ phiếu quỹ, Eximbank dự kiến chi cổ tức 1,800 đồng/cp.

Kế hoạch lợi nhuận năm 2021 tăng 60%

Năm 2021, Eximbank đề ra kế hoạch tổng tài sản tăng 10%, đạt 177,000 tỷ đồng; huy động vốn tăng 10% lên mức 148,000 tỷ đồng.

Dư nợ cấp tín dụng đạt 108,600 tỷ đồng, tăng 6.5% so với năm 2020. Tuy nhiên, trường hợp NHNN thông báo mức tăng trưởng tín dụng năm 2021 khác với mức tăng này thì Eximbank sẽ thực hiện theo NHNN. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng trên tổng dư nợ mục tiêu tối đa là 2.5%.

Mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2021 được ngân hàng này đặt ra tăng 60% so với kết quả đạt được năm 2020, đạt 2,150 tỷ đồng.

Nguồn: VietstockFinance. Đvt: Tỷ đồng

Cát Lam

FILI