Cổ phiếu ở vùng giá kỷ lục, Thép Nam Kim muốn bán 10 triệu cp quỹ

Cổ phiếu ở vùng giá kỷ lục, Thép Nam Kim muốn bán 10 triệu cp quỹ

Nhà sản xuất tôn mạ trụ sở tại Bình Dương có thể thu về trên 300 tỷ đồng, chiếu theo thị giá 30,550 đồng/cp kết phiên 14/05.

HĐQT CTCP Thép Nam Kim (HOSE: NKG) vừa thông qua việc bán 10 triệu cp quỹ. Đây là các cổ phần được Công ty mua với giá 7,800 đồng/cp vào cuối tháng 6/2020, thời điểm kết quả kinh doanh của doanh nghiệp và tình hình thị trường thép chưa khởi sắc rõ nét.

Động thái lên kế hoạch bán cổ phiếu quỹ của các lãnh đạo Nam Kim diễn ra giữa bối cảnh mã NKG đang ở vùng giá cao kỷ lục. NKG nằm trong nhóm cổ phiếu có mức tăng giá mạnh nhất sàn HOSE kể từ tháng 11/2020 đến nay, khi leo dốc gần 276%. Giá trị thị trường của doanh nghiệp hiện ở mức 5.25 ngàn tỷ đồng kết phiên 14/05.

Tại ĐHĐCĐ thường niên diễn ra cuối tháng 4/2021, Chủ tịch Hồ Minh Quang lúc bấy giờ cho biết Công ty chưa có kế hoạch bán ra cổ phiếu quỹ. “Công ty sẽ bán nhưng thời điểm sẽ được lựa chọn để đảm bảo lợi ích cho cổ đông”, ông nói.

Từ thời điểm diễn ra ĐHĐCĐ (ngày 24/04) đến hết ngày 14/05, giá cổ phiếu NKG tăng 18.2%.

Cổ phiếu NKG bay cao
khi ngành thép bước vào giai đoạn kinh doanh bùng nổ
(Thị giá NKG giai đoạn 2019-2021)

Trở lại diễn biến mới nhất, sau cuộc họp HĐQT ngày 14/05, Ban lãnh đạo Nam Kim đã thống nhất bán toàn bộ cổ phiếu quỹ nhằm cơ cấu lại nguồn vốn, bổ sung vốn lưu động để đầu tư cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

Nhà sản xuất tôn mạ này có kế hoạch triển khai đầu tư nhà máy ống thép, kho tôn tại tỉnh Bình Dương. Cơ sở mới sẽ giúp Công ty tối ưu công suất hoạt động của các nhà máy tôn hiện hữu.

Trong những tháng đầu năm nay, nhu cầu tiêu thụ và giá bán ống thép, tôn mạ tăng cao, các nhà máy của Nam Kim đã hoạt động hết công suất. Tháng 3/2021, sản lượng tiêu thụ của Nam Kim vượt mốc 103,000 tấn, trong đó khoảng 60% là xuất khẩu.

Tại kỳ ĐHĐCĐ thường niên 2021, lãnh đạo Công ty cho biết không gian tại nhà máy hiện hữu đang “rất chật chội”. “Muốn nâng công suất vận hành tất cả nhà máy, dịch vụ khách hàng thì bắt buộc phải đầu tư kho hàng và di dời một số hoạt động ra khỏi khu vực nhà máy sản xuất”, Tổng Giám đốc NKG - ông Võ Hoàng Vũ chia sẻ.

Thừa Vân

FILI