Ngân hàng liên tục "gọi vốn" qua kênh trái phiếu

Ngân hàng liên tục "gọi vốn" qua kênh trái phiếu

Bên cạnh việc tăng vốn cấp 1, thời gian gần đây các ngân hàng còn tăng cường bổ sung vốn cấp 2 thông qua hình thức phát hành trái phiếu. 

Mới đây nhất, Ngân hàng TMCP Á Châu (HOSE: ACB) công bố kết quả phát hành trái phiếu riêng lẻ đợt 1 lần 3 năm 2021. Ngày 03/06, ACB đã phát hành 1,200 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 3 năm. Trái phiếu có lãi suất 4%/năm, lãi được trả định kỳ mỗi năm một lần. Đây là loại trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không phải nợ thứ cấp và không có tài sản đảm bảo.

Mục đích của đợt phát hành này nhằm tăng quy mô vốn hoạt động của ACB, phục vụ nhu cầu cấp tín dụng cũng như đảm bảo tuân thủ các chỉ tiêu an toàn hoạt động. Theo kết quả phát hành, số trái phiếu này đã được mua bởi 3 tổ chức trong nước.

Trước đó, hồi tháng 4 và tháng 5, ACB đã huy động được 5,000 tỷ đồng qua 3 đợt phát hành trái phiếu.

Ngay sau đó, ngày 07/06, Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (HOSE: MSB) công bố đã phát hành xong 1,000 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ. Trái phiếu có kỳ hạn 3 năm, lãi suất 4%/năm. Tiền lãi được trả định kỳ hàng năm, tiền gốc được trả một lần vào ngày đáo hạn. Tuy nhiên, lãi và gốc cũng có thể được trả vào ngày mua lại trước hạn. 

Đây là loại trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có tài sản bảo đảm và không phải nợ thứ cấp của MSB.

Mục đích đợt phát hành này nhằm tăng quy mô vốn hoạt động, đáp ứng nhu cầu vay trung và dài hạn bằng VND. Theo kết quả phát hành, một tổ chức tín dụng đã mua trọn lô trái phiếu này.

Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (HNX: SHB) cũng vừa mới thông báo đã phát hành 1,000 trái phiếu với tổng mệnh giá 1,000 tỷ đồng. Trái phiếu có kỳ hạn 2 năm, đáo hạn vào ngày 08/06/2023.

Lãi suất cố định áp dụng cho toàn bộ thời hạn của trái phiếu là 3.8%/năm. Tiền lãi được trả mỗi năm một lần. Đây là loại trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có tài sản bảo đảm và không phải nợ thứ cấp của SHB. Bên mua toàn bộ lô trái phiếu này là 2 công ty chứng khoán trong nước.

Trước đó, hồi giữa tháng 5, SHB cũng đã bán 1,000 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 2 năm cho 2 công ty chứng khoán, lãi suất cũng là mức cố định 3.8%/năm.

Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank, HOSECTG) dự kiến trong năm 2021 sẽ huy động 10,000 tỷ đồng trái phiếu từ công chúng thông qua 2 đợt phát hành. Tổng số tiền 10,000 tỷ đồng trái phiếu từ đợt phát hành ra công chúng năm 2021 dự kiến được VietinBank sử dụng để tăng quy mô vốn hoạt động, tăng vốn cấp 2 và đảm bảo các tỷ lệ an toàn hoạt động theo quy định của NHNN

Thời gian qua, nhiều ngân hàng khác cũng liên tục huy động được lượng vốn lớn từ trái phiếu trong thời gian qua như VPBank, TPBank, VIB, HDBank...

Báo cáo của VietinBank được đưa ra hồi tháng 02/2021 từng nhận định, nhu cầu phát hành trái phiếu của các NHTM trong năm 2021 sẽ vẫn tăng cao, đặc biệt là trái phiếu tăng vốn nhằm giúp các ngân hàng bổ sung cho vốn cấp 2, tăng tỷ trọng nguồn vốn trung dài hạn và cải thiện hệ số CAR.

 

Thực tế, nhiều ngân hàng có vốn chủ sở hữu bị tác động tiêu cực bởi dịch bệnh như hiện nay, hay đúng hơn là mất khả năng trả nợ hoặc vỡ nợ, do đó ảnh hưởng đến chất lượng tài sản. Khi chất lượng tài sản ngân hàng bị suy giảm, sẽ đẩy tỷ lệ an toàn vốn ngân hàng về dưới 8%, do đó ngân hàng cần phải bổ sung nguồn vốn cấp 2 bằng cách phát hành trái phiếu có thời hạn ít nhất 5 năm hoặc trái phiếu chuyển đổi để đảm bảo an toàn vốn theo quy định.

 

* Vì sao các ngân hàng lao vào cuộc đua tăng vốn?

* Ngân hàng tăng cường huy động vốn qua kênh trái phiếu

Hàn Đông

FILI