Đông Nam Á là thị trường ví điện tử tăng trưởng nhanh nhất thế giới

Đông Nam Á là thị trường ví điện tử tăng trưởng nhanh nhất thế giới

Đông Nam Á đang là khu vực sẽ chứng kiến tốc độ tăng trưởng của ví điện tử nhanh nhất thế giới, kế đó là Mỹ Latin, châu Phi và Trung Đông, theo báo cáo nghiên cứu của Công ty Công nghệ tài chính Boku, có trụ sở ở London (Anh) và Công ty Juniper Research.

Tổng số người dùng ví điện tử ở Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam sẽ tăng trưởng 311% lên gần 400 triệu người. Điều này phản ánh sự bùng nổ của thương mại điện tử, theo báo cáo nghiên cứu công bố vào ngày 08/07. Trong cùng thời kỳ, mức tăng trưởng này ở Mỹ Latin là 166%, ở châu Phi và Trung Đông là 147%.

Ví điện tử vượt mặt thẻ tín dụng để trở thành phương tiện thanh toán được sử dụng nhiều nhất trên toàn cầu trong năm 2019, theo báo cáo. Việc chấp nhận ví điện tử được đẩy nhanh hơn trong đại dịch. Hơn 2.8 tỷ ví điện tử được sử dụng vào cuối năm 2020 và con số này được dự báo tăng 74% lên 4.8 tỉ USD vào cuối năm 2025.

Báo cáo trên cho thấy có hai dạng ví điện tử riêng biệt trên thế giới. Một loại là ví điện tử dựa trên thẻ như Apple Pay và Google Pay – vốn phổ biến hơn ở các thị trường phát triển. Loại thứ hai là các ví điện tử tích trữ giá trị thực sự như Alipay của Trung Quốc hay GrabPay của hãng gọi xe Grab, được sử dụng thịnh hành ở các thị trường mới nổi, nơi tỷ lệ sử dụng thẻ tín dụng của người dân còn ở mức thấp.

Adam Lee, Giám đốc Sản phẩm của Boku, cho biết, thị trường ví điện tử sẽ tăng trưởng nhanh nhất ở những nước có tỷ lệ người dân sử dụng thẻ tín dụng thấp. Ở Bắc Mỹ và Tây Âu, nơi chủ yếu sử dụng ví điện tử kết nối với thẻ tín dụng, tỉ lệ thâm nhập ví điện tử sẽ chậm hơn vì công nghệ này chỉ mang lại lợi ích hạn chế.

Trong năm 2020, có tổng cộng 55 ví điện tử tích trữ giá trị có doanh số giao dịch hơn 1 tỉ USD hàng năm. Báo cáo nhận định con số này sẽ tăng lên 69 ví vào năm 2025. SadaPay của Pakistan được dự báo sẽ là ví điện tử tăng trưởng nhanh nhất thế giới trong 5 năm tới, tiếp sau đó là hai ví điện tử Mercado Pago và PicPay ở Brazil.

Báo cáo nghiên cứu cũng cho rằng các ví điện tử của Trung Quốc chỉ được sử dụng ở mức hạn chế ở bên ngoài thị trường Trung Quốc, dù ví điện tử Alipay của Ant Group, đơn vị liên kết của Alibaba đang mở rộng sự hiện ở thị trường quốc tế bằng cách mua cổ phần ở các nền tảng thanh toán di động nước ngoài như bKash (Bangladesh) hay ví WeChat Pay của Tencent đã được cấp phép hoạt động ở Indonesia vào năm 2020. Alipay đã hiện diện tại Singapore, Việt Nam, Hồng Kông, Hàn Quốc cũng như một số nước ở châu Âu và Bắc Mỹ.

“Dường như các ví điện tử của Trung Quốc không thể xâm chiếm các thị trường mới nổi ở châu Á như nhiều người dự báo trước đây”, báo cáo nhận định.

Theo báo cáo trên, người sử dụng ví điện tử của Trung Quốc ở nước ngoài chủ yếu là du khách Trung Quốc, nhưng do dịch bệnh, du khách Trung Quốc không thể du lịch và chi tiêu ở nước ngoài, điều này cản trở các gã khổng lồ công nghệ tài chính của Trung Quốc dấn sâu hơn vào các thị trường mới nổi ở châu Á.

 

Loke Hwee Wong, Phó chủ tịch kiêm Tổng giám đốc phụ trách khu vực Châu Á-Thái Bình Dương của Boku, cho biết: “Đông Nam Á là một trong những khu vực số hóa nhanh nhất thế giới. Trong năm 2020, khu vực này có 40 triệu người dùng internet mới, nâng tổng số người dùng lên 400 triệu. Cùng với các xu hướng tiêu dùng trỗi dậy trong thời kỳ phong tỏa để kiểm soát dịch bệnh, điều này giúp thương mại điện tử trở nên phổ biến hơn và số người sử dụng ví điện tử tăng trưởng theo cấp số nhân”.

 

Vũ Hạo (Theo Bloomberg)

FILI