Tiền Afghanistan rớt giá xuống mức thấp kỷ lục

Tiền Afghanistan rớt giá xuống mức thấp kỷ lục

Đồng nội tệ của Afghanistan đã giảm xuống mức thấp kỷ lục trong tuần này khi Taliban giành quyền kiểm soát đất nước, cộng thêm tình trạng thiếu USD, khiến mọi người hoảng loạn.

Giao dịch ở mức 86 Afghani/USD vào thứ Tư, đồng tiền của Afghanistan đã giảm mạnh so với tuần trước (khoảng 80 Afghani/USD), theo Refinitiv.

Đồng tiền lao dốc phản ánh mối lo ngại về tương lai của Afghanistan sau khi thủ đô Kabul rơi vào tay Taliban, một tổ chức đang bị Mỹ và các cường quốc khác trên thế giới trừng phạt.

Nền kinh tế mỏng manh của Afghanistan chủ yếu dựa vào nguồn viện trợ quốc tế do Mỹ đứng đầu nên giờ bị nghi ngờ nghiêm trọng sau khi quân đội Mỹ rút lui. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), ngân sách dành cho khoảng 75% chi tiêu công của Afghanistan là từ các khoản viện trợ quốc tế.

Sự rớt giá của đồng tiền Afghanistan sẽ gây thêm áp lực lên lạm phát. Giá cả tăng cao, đặc biệt là đối với thực phẩm và nhu yếu phẩm, sẽ ảnh hưởng nặng nề nhất đến những người nghèo nhất của nước này.

Robert Kahn, giám đốc chiến lược toàn cầu của Eurasia Group, cho biết một yếu tố góp phần dẫn đến sự rớt giá của đồng tiền này là lo ngại về sự thiếu hụt USD, phương tiện thanh toán mà hệ thống tài chính Afghanistan phụ thuộc rất nhiều vì nền kinh tế nước này nhập nhiều hơn xuất.

Thách thức chính đối với chế độ Taliban sẽ là đảm bảo khả năng tiếp cận các đồng tiền chủ chốt để thanh toán cho hàng hóa nhập khẩu và ngăn chặn cuộc khủng hoảng cán cân thanh toán toàn diện”, Piotr Matys, nhà phân tích ngoại hối cao cấp của In Touch Capital Markets cho biết.

Chuyến hàng tiếp theo không bao giờ đến

Trên Twitter, Thống đốc Ngân hàng trung ương Afghanistan Ajmal Ahmady đã có bài viết trình bày chi tiết về nỗ lực tuyệt vọng để ổn định tiền tệ trước khi ông rời khỏi đất nước vào hôm Chủ nhật.

"Thứ Sáu, chúng tôi nhận được một cuộc gọi với lý do tình hình đang xấu đi, chúng tôi sẽ không nhận được bất kỳ chuyến hàng USD nào nữa", ông Ahmady nói. Ông cho biết thêm ngân hàng trung ương đã phải cung cấp ít tiền tệ hơn cho thị trường vào thứ Bảy, và điều này càng làm tăng thêm sự hoảng loạn.

Đồng tiền Afghanistan đã tăng vọt từ khoảng 81 Afghani/USD lên gần 100 Afghani/USD vào thứ Bảy. Ahmady cho biết cuộc khủng hoảng đã khiến ông phải tổ chức các cuộc họp vào hôm đó để trấn an các thị trường và sàn giao dịch tiền tệ.

Ông Ahmady cho biết ông Ashraf Ghani, lúc đó vẫn là Tổng thống Afghanistan, đã nói chuyện với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken vào tối thứ Bảy để yêu cầu các chuyến hàng USD được nối lại và trên nguyên tắc, Mỹ đã đồng ý.

"Chuyến hàng tiếp theo không bao giờ đến. Có vẻ như các đối tác của chúng tôi đã được tình báo cho biết những gì sắp xảy ra", Ahmady nói.

Họ cần gấp một nhà kinh tế học

Đến Chủ nhật, Ahmady phát hiện ra các lãnh đạo Afghanistan, trong đó có Tổng thống Ghani, đã bỏ trốn khỏi đất nước.

Mọi chuyện đã không phải kết thúc theo cách này. Tôi cảm thấy ghê tởm trước việc ban lãnh đạo Afghanistan không có bất kỳ kế hoạch nào”, Ahmady viết trên Twitter.

Ông Ahmady cho biết lượng USD mà Ngân hàng trung ương Afghanistan hiện có là "gần bằng 0". Do sự thiếu hụt USD, Taliban có thể phải thực hiện các biện pháp kiểm soát vốn. "Đồng nội tệ sẽ mất giá. Lạm phát sẽ tăng. Điều này ảnh hưởng nặng đến người nghèo vì giá lương thực sẽ tăng", ông nói thêm.

Giống như hầu hết ngân hàng trung ương, Ngân hàng trung ương Afghanistan giữ phần lớn dự trữ ở nước ngoài, dưới dạng trái phiếu Mỹ, vàng và các tài sản khác.

Ông Ahmady được cho biết là các tay súng Taliban đang hỏi các nhân viên Ngân hàng trung ương về nơi cất giữ các tài sản.

"Nếu đúng như vậy thì rõ ràng họ cần gấp một chuyên gia kinh tế trong đội ngũ của họ", ông nói thêm.

Mỹ chặn quyền tiếp cận nguồn tiền. IMF sẽ làm gì?

Những ngày gần đây, Washington đã ngăn chặn Taliban tiếp cận các tài sản do ngân hàng trung ương Afghanistan nắm giữ tại Mỹ.

Theo dự kiến, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ​​sẽ gửi khoảng 450 triệu USD đến Afghanistan vào tuần tới, nhưng số tiền đó có thể bị cắt nếu Taliban kiểm soát đất nước.

Hôm thứ Ba, các nhà lập pháp thuộc Đảng Cộng hòa đã gửi một lá thư cho Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen, thúc giục bà can thiệp và ngăn IMF gửi tiền cho Afghanistan.

Bộ Tài chính Mỹ đang thực hiện các bước để ngăn chặn Taliban tiếp cận các quỹ của IMF, một quan chức Bộ Tài chính nói với CNN hôm thứ Tư.

Một cuộc tranh chấp như vậy thường được quyết định bởi một cuộc bỏ phiếu giữa các thành viên IMF, một vài người trong số đó nói rõ họ sẽ không công nhận Taliban là Chính phủ hợp pháp của Afghanistan.

Tuy nhiên, Marc Chandler, giám đốc điều hành của Bannockburn Global Forex, lo ngại cuộc đàn áp tài chính của Mỹ đối với Taliban sẽ phản tác dụng.

Tôi lo rằng nỗ lực của Mỹ nhằm trừng phạt Taliban vì những gì đã xảy ra cách đây hai thập niên có nguy cơ mang lại những gì mà Chính phủ Mỹ sợ. Một nền kinh tế nghèo khó sẽ làm trầm trọng thêm thách thức quản trị và có thể làm suy yếu khả năng nắm giữ đất nước của Taliban, nhường chỗ cho các phần tử khủng bố”, Chandler nói.

Điều tiếp theo cho Afghanistan là gì?

Kahn, giám đốc Eurasia Group, cho biết mô hình kinh tế của Taliban đã tỏ ra "có khả năng chịu đựng" trong quá khứ.

"Với cơ sở nông nghiệp và phi tập trung của hoạt động kinh tế ở Afghanistan, mô hình kinh tế của họ cho thấy khả năng vượt qua các lệnh trừng phạt và hạn chế tiếp cận các thị trường/nguồn tài chính chính thức", Kahn viết trong một email gửi CNN.

Taliban đã bị Mỹ trừng phạt, một phần vì vi phạm nhân quyền đối với phụ nữ và trẻ em gái như cấm họ đi học, cưỡng ép kết hôn và không cho hầu hết họ tiếp cận việc làm.

Matys, chuyên gia phân tích ngoại hối tại In Touch Capital Markets, cho biết các nhà đầu tư lạc quan có thể cho rằng Afghanistan sẽ trở nên ổn định hơn trong tương lai so với hai thập niên qua.

Sự ổn định chính trị, ngay cả khi nó được cung cấp bởi các chế độ độc tài, là một yếu tố quan trọng đối với nhà đầu tư nước ngoài, những người thường không đặt dân chủ lên hàng đầu trong danh sách ưu tiên của họ. Nếu họ làm thế thì danh sách các quốc gia đáng để đầu tư vào có thể rất ngắn”, Matys nói.

Nhã Thanh (Theo CNN)

FILI