Từ anh thợ máy nghèo đến YouTuber thay đổi bộ mặt cả ngôi làng

Từ anh thợ máy nghèo đến YouTuber thay đổi bộ mặt cả ngôi làng

Siswanto là một thợ máy nghèo khó đến khi anh có sự xoay chuyển bất ngờ bằng các video tự quay rồi đưa lên internet, biến anh cùng những người hàng xóm thành các “ngôi sao” và đưa cộng đồng nông dân nghèo của anh đến với thế giới bằng cái tên “Làng YouTube của Indonesia”.

Siswanto

Câu chuyện làm giàu từ hai bàn tay trắng bắt đầu cách đây 4 năm khi Siswanto phải vật lộn để duy trì hoạt động kinh doanh tiệm sửa xe của anh ở Kasegeran - một thị trấn hẻo lánh ở Java mà hầu hết người Indonesia cũng vất vả khi muốn tìm kiếm nó trên bản đồ.

Khi ấy, anh đang thiếu tiền và khao khát có thêm thu nhập để nuôi gia đình ngày càng đông, nhưng công việc bươi rác nhặt phế liệu và trồng đậu nành không đủ để trang trải hàng ngày.

Thế là Siswanto thử xuất bản các chương trình hài ngắn sau khi xem một chương trình truyền hình nói về một người có ảnh hưởng người Indonesia kiếm được nhiều tiền nhờ các video trực tuyến.

"Nhưng không ai xem chúng nên tôi dừng lại", anh thật thà cho biết.

Lúc ấy, anh nghĩ: "Số của mình không phải kiếm tiền theo cách đó”. Cho đến một ngày, trong lúc vật lộn với chiếc xe máy đắt tiền của một khách hàng, anh nảy ra ý định xem các video trực tuyến để tìm cách sửa.

"Ngay cả một thợ máy như tôi cũng không thể hiểu được chúng. Chúng quá phức tạp", anh nói với AFP.

Sau lần đó, Siswanto quyết định tạo các video giúp sửa xe dễ làm theo.

Đem chiếc điện thoại đang dùng chung với người vợ đang mang thai đi nâng cấp, anh bắt đầu quay phim không ngừng.

"Ban đầu, tôi rất run và toàn nói những thứ vô nghĩa", anh kể về những video đầu tiên của mình - nhưng sau vài năm, Siswanto đã xây dựng được lượng khán giả lớn, với hơn 2 triệu người đăng ký theo dõi trên YouTube.

Hiện tại, anh có lịch trình bận rộn với đội ngũ nhỏ chuyên chỉnh sửa, tung ra các video quay cảnh anh sửa xe hoặc những chuyến đi câu bình dị tại một con sông địa phương.

Công việc hái ra tiền của Siswanto, theo anh tiết lộ là có thể mang về cho gia đình tới 150 triệu rupiah (10,000 USD)/tháng, đã khiến nhiều người trong làng “xì xào” suốt thời gian dài.

Họ đồn rằng người thợ máy giàu có đang dính tới một thứ “ma thuật” nào đó, và một số cha mẹ đã cấm con cái đến tiệm sửa xe của anh vì sợ chúng bị dụ dỗ làm những điều mờ ám.

Vì vậy, tôi đã có một buổi gặp mặt mọi người trong hội trường của làng và giải thích rằng mình có công việc trên YouTube”, Siswanto nói.

"Hầu hết trong số họ chưa bao giờ nghe nói về nó".

Anh đã cung cấp các bài học miễn phí để chứng minh câu chuyện của mình và hiện ít nhất 30 người khác ở Kasegeran đã xây dựng kênh của riêng họ, và vài người trong số đó đã thu hút được hàng trăm nghìn người xem.

Trong số đó có Tirwan, một người bán đồ ăn nhanh 45 tuổi, từng chỉ kiếm được 50.000 rupiah (tương đương 3.5 USD)/ngày nhờ bán rong những chiếc bánh bao bột có tên là cilok.

Giờ đây, anh tự quay phim khoe tài nấu ăn hoặc săn lùng những hồn ma ở nghĩa địa, và đã thành công lớn ở quần đảo Đông Nam Á này, nơi tín ngưỡng siêu nhiên vẫn còn phổ biến.

Số tiền kiếm được thêm từ lượng người sử dụng đã giúp Kasegeran có được kết nối Internet nhanh hơn, giúp trẻ em tham gia các lớp học trực tuyến sau khi Indonesia đóng cửa các trường học để chống lại đại dịch virus corona.

Nó cũng là động lực lớn cho niềm tự hào của địa phương.

"Kasegeran là ngôi làng nghèo nhất trong toàn huyện nhưng bây giờ, chúng tôi có thể cạnh tranh với các làng khác", trưởng làng Saifuddin nói với AFP.

"Đó cũng là nguồn cảm hứng cho những người trẻ tuổi. Họ không sử dụng điện thoại di động vào những việc vô ích nữa. Họ có thể kiếm tiền từ chúng", ông nói thêm.

Những người hùng “cây nhà lá vườn” của Kasegeran nói rằng không có phép thuật nào đối với thành công của họ. “Đó không phải là giấc mơ hão huyền, miễn là bạn sẵn sàng học hỏi và làm việc chăm chỉ”, Siswanto nói.

"Và bạn phải kiên trì".

Nhã Thanh (Theo IBTimes)

FILI