Một doanh nghiệp chăn nuôi nộp hồ sơ niêm yết trên HOSE

Một doanh nghiệp chăn nuôi nộp hồ sơ niêm yết trên HOSE 

Ngày 22/09/2021, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM đã nhận được hồ sơ đăng ký niêm yết 78 triệu cp của CTCP Nông nghiệp BAF Việt Nam, vốn điều lệ tương ứng là 780 tỷ đồng.

CTCP Nông nghiệp BAF Việt Nam (BaF) được thành lập năm 2017, hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi heo, chế biến và cung ứng thực phẩm sạch, hướng đến mục tiêu xây dựng mô hình chuỗi khép kín từ nguyên liệu thô, nhà máy cung cấp cám, trang trại chăn nuôi, nhà máy giết mổ và chế biến thức ăn – mô hình 3F (Farm-Food-Feed). Theo kế hoạch đến năm 2021, Công ty sẽ cung cấp 250,000 heo thương phẩm và đến năm 2022 là 550,000 heo thương phẩm/năm.

Nguồn: BaF

Tính đến thời điểm 30/06/2021, BaF có 4 cổ đông lớn đều là cổ đông cá nhân sở hữu 100% vốn của Công ty. Trong đó, bà Bùi Hương Giang, Tổng Giám đốc sở hữu 50% vốn điều lệ, ông Phan Ngọc Ân, Chủ tịch HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc nắm 30% vốn, ông Lê Xuân Thọ, Thành viên HĐQT sở hữu 10% vốn và 10% còn lại thuộc sở hữu của ông Nguyễn Anh Tuấn, Thành viên HĐQT.

Ngày 01/09/2021, BaF thông báo đã chào bán thành công 28 triệu cp lần đầu ra công chúng (IPO) với giá 20,000 đồng/cp. Nguồn tiền thu về 560 tỷ đồng từ đợt IPO sẽ được BAF dùng để bổ sung vốn lưu động (228.6 tỷ đồng), thanh toán tiền mua đất tại 135E Mai Chí Thọ, Quận 2, TP.HCM (77.4 tỷ đồng), thanh toán công nợ phải trả mua nông sản cho Tổng Công ty Rau quả, nông sản (130 tỷ đồng), tăng vốn điều lệ cho các công ty con để thực hiện dự án trang trại chăn nuôi 20,000 heo thịt và bổ sung vốn kinh doanh (49 tỷ đồng) và thanh toán tiền mua cổ phần chuyển nhượng tại CTCP thức ăn chăn nuôi Rico Tây Ninh (75 tỷ đồng).

Nguồn: BaF

Về hoạt động kinh doanh, nửa tháng đầu năm 2021, BaF ghi nhận doanh thu đạt hơn 5,251 tỷ đồng, giảm 21% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu chủ yếu đến từ bán nông sản (chiếm 95% tổng doanh thu), đạt hơn 4,963 tỷ đồng, giảm 23% so với cùng kỳ. Doanh thu chăn nuôi đạt 288 tỷ đồng, tăng 43% so với cùng kỳ. Và phần còn lại là doanh thu cung cấp dịch vụ gần 395 triệu đồng.

Tuy doanh thu giảm nhưng nhờ giá vốn cũng giảm tương ứng 24% so với cùng kỳ nên lợi nhuận gộp gấp 2.6 lần cùng kỳ năm trước, lên hơn 276 tỷ đồng. Biên lãi gộp cải thiện từ 1.6% lên 5.3%.

Kết quả, lợi nhuận ròng của Công ty đạt hơn 201 tỷ đồng, gấp 10 lần so với cùng kỳ năm trước,. Theo đó, lãi cơ bản trên cổ phiếu (EPS) tăng từ 2,009 tỷ đồng lên 4,022 đồng.

Tổng tài sản của Công ty tính đến cuối tháng 6/2021 đạt gần 6,967 tỷ đồng, tăng 33% so với đầu năm. Trong đó, ngoài hàng tồn kho giá trị 1,233 tỷ đồng, chiếm 18% tổng tài sản. Phần lớn tài sản còn lại nằm ở các khoản phải thu ngắn hạn với hơn 4,626 tỷ đồng, chiếm 66% tổng tài sản. Trong khi tài sản cố định chỉ chiếm tỷ trọng khá nhỏ, với số dư gần 398 tỷ đồng.

Nguồn: BaF

Đi sâu hơn vào cơ cấu phải thu ngắn hạn, thì khoản này chủ yếu đều đến từ phải thu ngắn hạn các khách hàng như CTCP Tập đoàn Tân Long (645 tỷ đồng), Công ty TNHH Thương mại và Phát triển dịch vụ Sơn La (567 tỷ đồng), Công ty TNHH Dịch vụ Thượng mại XNK Tân Thành Nam (430 tỷ đồng, Công ty TNHH ĐT Kinh doanh Nhật Tân (362 tỷ đồng), Công ty TNHH Nông nghiệp T&T (278 tỷ đồng)…

Được biết, Tập đoàn Tân Long cũng là nguồn cung cấp nguyên liệu đầu vào cho Nhà máy cám của BaF.

Ngược lại, phần nguồn vốn cũng được tạo nên bởi các khoản phải trả ngắn hạn cho các nhà cung cấp với hơn 5,798 tỷ đồng, chiếm tới 2/3 tổng nguồn vốn của Công ty.

Nguồn: BaF

Trong đó, BaF nợ CTCP Kinh doanh thương mại Thịnh Phát hơn 954 tỷ đồng, CTCP CBOT Việt Nam 545 tỷ đồng, Công ty TNHH SXTM DV Sơn Hưng gần 494 tỷ đồng, CTCP Nông Sản MOGB Quốc Tế hơn 410 tỷ đồng, CTCP Nông Nghiệp An Điền là 369 tỷ đồng …

Khang Di

FILI