Giá năng lượng tăng vọt, lạm phát châu Âu lên đỉnh 13 năm

Giá năng lượng tăng vọt, lạm phát châu Âu lên đỉnh 13 năm

Lạm phát tại khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) tăng lên mức cao nhất trong 13 năm, giữa lúc giá năng lượng tăng mạnh.

Trong tháng 9/2021, lạm phát của khu vực đồng tiền chung châu Âu ở mức 3.4%, theo dữ liệu sơ bộ từ văn phòng thống kê Eurostat. Trước đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Đức tăng 4.1% trong tháng 9, mức cao nhất trong gần 30 năm.

Đà tăng của lạm phát đến từ mức tăng vọt của giá năng lượng và khiến nhiều nhà hoạch định chính sách cảm thấy lo ngại. Giá khí gas trên sàn giao dịch Dutch TTF hub – chỉ số tham chiếu tại châu Âu – đã tăng gần 400% so với đầu năm.

Nhiều chuyên gia cho rằng đà tăng mạnh của giá năng lượng có thể vẫn chưa kết thúc khi các nước bước vào mùa đông lạnh giá – giai đoạn sử dụng năng lượng nhiều nhất.

Trước tình cảnh đó, Pháp đã tăng cường các biện pháp để giảm thiểu tác động cho người tiêu dùng. Ngày 30/09, Thủ tướng Pháp Jean Castex cho biết Chính phủ sẽ ngăn chặn đà tăng của giá khí thiên nhiên. Italy, Hy Lạp và Tây Ban Nha cũng đưa ra các biện pháp để ngăn chặn đà tăng của giá khí gas.

Chỉ là tạm thời?

Quan chức tại các ngân hàng trung ương đều cho rằng đà tăng vọt của lạm phát gần đây chỉ là “tạm thời” và áp lực giá sẽ giảm bớt trong năm 2022.

“Chúng tôi đã điều chỉnh tăng dự báo trong 3 quý vừa qua. Mọi thứ tăng nhanh hơn, từ tăng trưởng, lạm phát cho tới thị trường việc làm”, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB), Christine Lagarde cho biết trong tháng 9/2021.

Tuy nhiên, bà nói thêm áp lực giá năng lượng có thể kéo dài hơn các yếu tố gây lạm phát khác, nhất là sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng.

“Áp lực từ giá năng lượng có thể sẽ kéo dài hơn. Vì chúng ta đang trong giai đoạn chuyển dịch ra khỏi các nguồn năng lượng hóa thạch”, bà Lagarde cho biết.

Tuy vậy, một số chuyên gia kinh tế đang tự hỏi liệu áp lực giá có thật sự chỉ tạm thời và liệu ECB có cần phải thích ứng về chính sách tiền tệ nhanh hơn hay không.

“Đà tăng lạm phát gần đây chưa thể giải quyết bất đồng giữa hai bên tranh luận về lạm phát: Một bên cho rằng các yếu tố gây lạm phát chỉ tồn tại tạm thời và hiệu ứng so với cơ sở thấp sẽ biến mất hoặc thậm chí bị đảo ngược trong năm 2022, còn bên còn lại nhận thấy rủi ro lạm phát sẽ ngày càng tăng”, Carsten Brzeski, Trưởng bộ phận vĩ mô tại ING Germany, cho biết trong báo cáo ngày 29/09.

Các chuyên viên phân tích kỳ vọng ECB sẽ đưa ra thêm thông tin chi tiết về lập trường chính sách tiền tệ tại cuộc họp tháng 12/2021. Chương trình mua tài sản khẩn cấp PEPP sẽ kết thúc vào tháng 3/2021 và giới quan sát cho rằng ECB sẽ giảm bớt mức độ mua tài sản trong những tháng cuối cùng.

Vũ Hạo (Theo CNBC)

FILI