Lao động ngành nào không bị giảm lương thưởng, mất việc làm vì đại dịch Covid-19?

Lao động ngành nào không bị giảm lương thưởng, mất việc làm vì đại dịch Covid-19?

Đa số các doanh nghiệp trong mảng Tài chính – Ngân hàng – Bảo hiểm và Công nghệ thông tin (CNTT) không cắt giảm nhân sự, giữ nguyên lương và phúc lợi, trong khi mảng Du lịch/khách sạn cắt giảm lương nhiều nhất.

Lao động mảng Tài chính – Ngân hàng – Bảo hiểm và Công nghệ thông tin không cắt giảm nhân sự, giữ nguyên lương và phúc lợi.

Báo cáo về thị trường lao động trong làn sóng Covid-19 thứ 4: Thực trạng và hướng đi của Navigos Group công bố chiều 6-10, cho biết dù đối mặt với "cơn bão" Covid-19 lần thứ tư, nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn duy trì hoạt động và nguồn nhân lực của mình. Gần 57% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết sẽ tuyển dụng ngay lập tức khi quay lại hoạt động bình thường.

Nhân viên có ít kinh nghiệm bị cắt giảm công việc nhiều nhất

Khảo sát của Navigos Group cho biết dù đối mặt với "cơn bão" Covid-19 lần thứ tư, nhưng nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn cố gắng duy trì hoạt động và nguồn nhân lực của mình. Đa số các doanh nghiệp trong mảng Tài chính – Ngân hàng – Bảo hiểm và Công nghệ thông tin  (CNTT) không cắt giảm nhân sự, giữ nguyên lương và phúc lợi.

Trong khi đó, doanh nghiệp mảng Du lịch/Khách sạn cắt giảm lương nhiều nhất.

Trong đại dịch, ngành CNTT là ngành có nhu cầu tuyển dụng lớn nhất. Các doanh nghiệp trong lĩnh vực CNTT có quy mô từ 101–300 nhân lực có sự tăng trưởng lớn nhất về tuyển dụng nhân sự.

Đối với người lao động, trong bối cảnh bị ảnh hưởng bởi Covid-19, nhiều doanh nghiệp có xu hướng giữ chân các nhân sự có thâm niên hoặc các nhân sự đang giữ các vị trí cấp trung và cấp cao. Trong khi đó, có đến 42% nhân sự là thực tập sinh và sinh viên mới ra trường, nhân viên có ít kinh nghiệm bị cắt giảm công việc.

57% doanh nghiệp sẽ tuyển dụng ngay lập tức khi quay lại hoạt động bình thường

Về giải pháp doanh nghiệp hỗ trợ cho người lao động trong đại dịch, theo Navigos, các doanh nghiệp triển khai các chính sách hỗ trợ cho người lao động đa dạng và thực tiễn. Nhiều hoạt động hỗ trợ như: thay đổi giờ làm việc, quy trình làm việc để hỗ trợ nhân viên hoàn thành công việc thuận lợi hơn; tổ chức các hoạt động online, sẻ chia và trao quà tặng cho nhân viên (e-vouchers, gói quà...); hỗ trợ toàn bộ nhân viên tiêm vaccine phòng Covid-19; hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho toàn bộ nhân viên…

Chia sẻ về các kế hoạch tuyển dụng của doanh nghiệp sau khi quay trở lại hoạt động trong trạng thái “bình thường mới”, khảo sát  cho biết, gần 57% doanh nghiệp tham gia khảo sát sẽ tuyển dụng ngay lập tức sau khi quay trở lại hoạt động bình thường.

Có khoảng 17,5% chưa thể ra đươc quyết định ngay lập tức liệu họ có thể tuyển dụng trở lại hay không. Bên cạnh đó, cũng có các doanh nghiệp cần thêm thời gian từ nửa tháng đến sau 6 tháng mới có thể tiếp tục tuyển dụng trở lại. Các con số này cho thấy nhiều doanh nghiệp vẫn cần sự phục hồi để có thể quay trở lại thị trường lao động.

Đáng chú ý, có đến 50% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết sẽ tuyển nhân viên hoàn toàn mới. Đây là một điểm đáng chú ý cho nhà tuyển dụng và người tìm việc, cũng là cơ hội quý giá cho những người lao động đang đi tìm việc.

Bên cạnh đó, vẫn có khoảng gần 37% doanh nghiệp tham gia khảo sát ưu tiên tuyển những người đã từng làm việc ở công ty sau đó mới tuyển người mới.

Doanh nghiệp có nhiều chính sách hỗ trợ người lao động vượt đại dịch Covid-19. Ảnh: Cao Thăng

87% người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhiều người chọn về quê

Khảo sát của Navigos cũng cho thấy hơn 87% người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Có thể thấy rằng đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến người lao động. Khi được hỏi về tình trạng hiện nay, có đến 41,5% người lao động cho biết họ đã thôi việc và chưa có việc làm mới.

Ngoài ra, hơn 30% người lao động được hỏi nói họ nằm trong diện bị cắt giảm nhân sự của công ty. Có 25% khảo sát cho biết họ nghỉ việc do bị cắt giảm lương và chế độ phúc lợi.

Về các giải pháp người lao động áp dụng để khắc phục khó khăn do Covid-19 gây ra, 52% người lao động được hỏi chia sẻ họ tiết kiệm chi phí sinh hoạt để vượt qua thời gian khó khăn do dịch bệnh.

Có  24,3% lựa chọn là làm thêm bán thời gian một công việc thời vụ để đảm bảo thu nhập cho bản thân và gia đình. Bên cạnh đó 16,6% số người đã nghỉ việc và chưa có việc làm thêm đã phải sử dụng đến tiền tiết kiệm, tích lũy trong thời gian này.

Một số người lao động đã chọn phương án về quê để giảm tiền phòng trọ trên thành phố. Những phương pháp khác được đưa ra như: Vay tiền để trang trải cuộc sống, đầu tư chứng khoán, đàm phán lương với công ty hiện tại, học nghề mới, tự kinh doanh riêng…

Báo cáo về Thị trường lao động trong làn sóng Covid-19 thứ 4: Thực trạng và hướng đi của được phân tích dựa trên ý kiến của doanh nghiệp và người tìm việc tham gia khảo sát. Theo báo cáo, dịch Covid-19 lần thứ 4 diễn biến phức tạp, mức độ ảnh hưởng lớn hơn nhiều so với cả ba đợt dịch trước cộng lại.

3 khó khăn khi làm việc tại nhà

Qua khảo sát, có 64% người lao động cho biết họ đang làm việc tại nhà 100%.

Có 3 khó khăn thường gặp nhất khi làm việc từ xa. Trong đó 27% cho biết họ thiếu kết nối với quản lý trực tiếp và với đồng nghiệp. 24% được khảo sát nói hiệu quả lao động giảm sút. 18% cho biết bị mất tập trung, sao nhãng trong công việc.

Ngoài ra, những khó khăn khác cũng được số ít người lao động đưa ra, như, mạng wifi chậm, kết nối kém, không xác nhận được tình hình sản xuất thực tế, các hồ sơ chứng từ chưa được số hóa toàn bộ, thiếu công cụ phục vụ công việc, các thành viên không theo sát thời gian hoàn thành công việc, khó liên lạc và không giải quyết được vấn đề khẩn cấp…

Mạnh Hòa

SGĐTTC