TCM: Thua lỗ trong quý 3, dòng tiền kinh doanh âm

TCM: Thua lỗ trong quý 3, dòng tiền kinh doanh âm

CTCP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (HOSE: TCM) vừa công bố kết quả kinh doanh quý 3 với các chỉ tiêu tài chính đa phần lao dốc so với cùng kỳ.

Kết quả kinh doanh quý 3/2021 của TCM. Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: BCTC hợp nhất quý 3/20221 của TCM

TCM cho biết do tình hình dịch bệnh Covid-19 phức tạp trong quý 3, công ty phải thực hiện giãn cách từ ngày 15/07/2021 nên năng suất lao động của Công ty không đạt kế hoạch, cộng với chi phí hoạt động theo phương thức 3 tại chỗ cao, dẫn đến TCM phải báo lỗ trong quý 3.

Cụ thể, doanh thu thuần quý 3 giảm 20% so với cùng kỳ, xuống còn 783 tỷ đồng. Giá vốn hàng bán giảm nhẹ hơn khiến biên lãi gộp thu hẹp lại, từ gần 15% xuống chỉ còn 10%.

Ngược lại, doanh thu hoạt động tài chính tăng 63%, đạt 17 tỷ đồng. Trong khi đó, loạt chi phí đồng loạt tăng khiến doanh nghiệp dệt may phải ôm lỗ ròng gần 3 tỷ đồng trong quý 3.

Kết thúc 9 tháng đầu năm, TCM ghi nhận doanh thu thuần gần như đi ngang so với cùng kỳ, đạt 2,707 tỷ đồng và lãi ròng giảm 41%, xuống còn 118 tỷ đồng.

Năm 2021, TCM dự kiến đem về 4,218 tỷ đồng doanh thu, tăng 22% và 290 tỷ đồng lãi sau thuế, tăng 5% so với thực hiện năm 2020. So với kế hoạch, TCM đã thực hiện được 64% chỉ tiêu doanh thu và 41% chỉ tiêu lãi sau thuế 2021.

Đáng chú ý, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của TCM 9 tháng đầu năm ghi nhận âm gần 16.5 tỷ đồng trong khi cùng kỳ dương 348 tỷ đồng, biến động lớn đến từ hàng tồn kho.

Tại thời điểm 30/09/2021, hàng tồn kho của TCM ghi nhận gần 1,317 tỷ đồng, tăng 31% so với đầu năm. Trong đó, giá gốc thành phẩm ghi nhận hơn 513 tỷ đồng (tăng 10%), chi phí sản xuất kinh doanh dở dang gần 428 tỷ đồng (tăng 69%).  

Hàng tồn kho tính đến 30/09/2021 của TCM
Nguồn: BCTC hợp nhất quý 3/2021 của TCM

Nợ phải trả cũng tăng 24%, lên gần 1,658 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ vay ngắn hạn gần 794 tỷ đồng, tăng 12% và dư nợ vay dài hạn hơn 107 tỷ đồng (gấp 2.8 lần).

Tổng tài sản của TCM tính đến cuối tháng 9 ghi nhận hơn 3,341 tỷ đồng, tăng 12% so với con số đầu năm.

Xét về thị trường xuất khẩu của TCM, trong tháng 9, thị trường Mỹ chiếm tỷ trọng cao nhất khoảng 36.6% tổng lượng hàng xuất khẩu, tiếp đến là Hàn Quốc chiếm khoảng 31.8 %, Nhật Bản và Trung Quốc là những thị trường xuất khẩu lớn tiếp theo chiếm khoảng trên 9%.

TCM cũng cho biết Công ty đã nhận đơn hàng đến cuối năm 2021 và quý 1/2022. Hiện, Công ty đang đẩy mạnh xây dựng nhà máy may Thành Công Vĩnh Long 2 để kịp sản xuất đơn hàng cho năm 2022.

Tiên Tiên

FILI