Kẹt tiền cuối năm

Kẹt tiền cuối năm

Dịch bệnh kéo dài khiến công việc bị ảnh hưởng, thu nhập bấp bênh, không ít người trẻ phải đối mặt các vấn đề tài chính khi thời điểm cuối năm đang đến gần.

Thời gian này mọi năm thường là lúc Khánh Hòa (26 tuổi, thợ trang điểm) bận rộn nhất bởi đang là mùa cưới và thời tiết vào đông nắng đẹp, nhu cầu trang điểm, làm tóc để chụp hình cao.

Tuy nhiên năm nay, dù đã hết tháng 11, lượng khách hàng của cô không mấy khả quan, chỉ bằng khoảng 50-60% so với các năm trước.

“Cả một năm thường xuyên rơi vào cảnh ‘ngồi không’ do các đợt dịch bùng phát, mình đặt nhiều hy vọng vào các tháng cuối năm khi hết giãn cách xã hội, các đám cưới, sự kiện được tổ chức. Nhưng cứ đà này, không biết sắp tới mình phải xoay xở ra sao”, cô gái 26 tuổi nói với chúng tôi.

Không chỉ Hòa, tình trạng kiệt quệ tài chính, gặp khó khăn trong việc lo liệu sinh hoạt phí là điều nhiều bạn trẻ đang gặp phải. Càng về cuối năm, những khoản chi, kế hoạch càng dồn về nhiều trong khi thu nhập bấp bênh khiến không ít người lao đao.

Chật vật

Ngoài nhận trang điểm, Hòa còn cùng chị gái mở một tiệm cho thuê đồ cưới, áo dài. Tuy nhiên, cô cho biết vì dịch bệnh, nhiều cặp đôi liên tục phải hoãn lại ngày vui hoặc lựa chọn tổ chức nhỏ gọn. Điều đó cũng đồng nghĩa với nhu cầu về các dịch vụ liên quan đến hôn lễ giảm đi nhiều.

Bên cạnh đó, hồi tháng 4, tháng 5, nhiều học sinh cuối cấp cũng không còn tổ chức chụp ảnh, quay video kỷ yếu khiến cô mất đi một lượng khách hàng tiềm năng lớn.

Nhiều đám cưới bị hủy, hoãn lại hoặc tổ chức nhỏ gọn so với dự định do dịch bệnh khiến công việc của các thợ trang điểm, kinh doanh dịch vụ cưới hỏi như Hòa gặp khó khăn. Ảnh: Thạch Thảo.

“Vào nghề 4, 5 năm nay, mình chưa thấy khi nào ngành cưới nói riêng chật vật như vậy. Khách không có song tiền mua mỹ phẩm, tiền mặt bằng và các chi phí liên quan vẫn phải duy trì khiến mình thực sự đau đầu”.

Những ngày cuối cùng của năm, Hòa chỉ hy vọng tình hình đỡ hơn một chút để “gỡ gạc lại chút nào hay chút đó”.

Tương tự, trước dịch, M.T. (26 tuổi, Hà Nội) làm lễ tân khách sạn, thu nhập ổn định hơn 10 triệu đồng/tháng.

Cô không chi tiêu nhiều vào quần áo, mỹ phẩm mà thường xuyên hẹn bạn bè đi cà phê và cách 2-3 tháng lại du lịch một lần. Bởi vậy, cô gần như không có khoản dự phòng.

Năm ngoái, dịch Covid-19 bùng phát khiến khách quốc tế không còn, công việc của T. giảm dần. Sau 1-2 tháng, cô gần như phải ở hẳn nhà.

Để trang trải cuộc sống, T. xin làm nhân viên bán hàng, thu nhập chỉ bằng 1/3 so với trước kia. Ổn định được một thời gian, đợt giãn cách xã hội khiến cô phải nghỉ không lương 2 tháng.

Nhân viên các ngành dịch vụ ăn uống, du lịch, khách sạn lao đao khi các đợt dịch bùng phát. Ảnh: Phương Lâm.

“Hai năm nay thu nhập giảm mạnh, mình từ mức sống thoải mái phải xuống mức đắn đo chi tiêu, dè sẻn mọi thứ. Ngày trước, cứ có thời gian rảnh là mình đi chơi nhưng giờ bạn bè rủ mình đều từ chối hoặc chờ có lương mới đi. Họ biết mình đang kẹt tiền nên cũng ngại hỏi nhiều”, T. nói.

Những tháng cuối năm, tình hình tài chính của T. vẫn chưa khá hơn. Cô cũng không mong đợi ở khoản thưởng Tết.

“Mình tính chuyển hướng nghề nghiệp nhưng khó tìm việc mới vì làm trái ngành nhiều năm, giờ muốn quay lại ngân hàng hay kế toán đúng chuyên môn từng được đào tạo thì kinh nghiệm bằng 0. Cũng may là mình ở với bố mẹ, hàng tháng bớt được khoản thuê nhà nên đỡ stress hơn”, cô cho biết.

Tiết kiệm

Vài tháng nay, Phạm Hoàng (27 tuổi, Hà Nội), nhân viên công ty phân phối hàng nhập khẩu, phải cắt bớt chi tiêu vì thu nhập giảm.

Chia sẻ với chúng tôi, Hoàng cho hay trước đây, bên cạnh lương cố định, anh kiếm thêm 1-1,5 triệu đồng/tháng nhờ nhiều khoản ngoài lề như bảo hiểm, tăng ca đêm, bốc dỡ hàng hay được hưởng lợi nhuận vận chuyển hàng hóa. Trừ chi tiêu 50% tiền lương mỗi tháng, anh để ra được 3-4 triệu đồng phòng thân.

Tuy nhiên, khi thành phố bắt đầu phong tỏa, công ty Hoàng cắt giảm từng khoản, sau đó là toàn bộ. Anh chỉ có thể trông cậy vào lương cơ bản.

“Giờ tiết kiệm lắm mình chỉ có thể để ra được 2 triệu đồng/tháng, đấy là không đi chơi, cà phê, hẹn hò sau dịch. Vì ăn uống bình thường đã khoảng 3 triệu đồng, thêm tiền trọ và các chi phí phát sinh khác nữa. Tài khoản mình hiện chỉ còn vài trăm nghìn đồng, cộng thêm chút bên ngoài thì tạm đủ sống chờ đến khi có lương. Nhiều khi nghĩ cũng khủng hoảng tinh thần”, Hoàng thừa nhận.

Xuân Lai hy vọng cuối năm có thể gom được một khoản tiền để mua sắm dịp lễ Tết. Ảnh: NVCC.

Để phù hợp với tình hình tài chính, Hoàng phải thay đổi một số thói quen chi tiêu. Ví như từ việc thường xuyên đi siêu thị mua đồ, giờ anh ra chợ hoặc tạp hóa vì rẻ hơn. Khoản hẹn hò, cà phê với bạn bè cũng được hạn chế, phần vì dịch, phần để đỡ tốn kém.

“Tủ lạnh nhà mình không có gì ngoài nước lọc. Ngày trước, mình thường mua bánh kẹo, nước ngọt để dự trữ, giờ cùng lắm chỉ mua 1-2 đồ để cuối tuần ở nhà cho đỡ thèm”, anh nói.

Cả năm nay, Hoàng cũng không mua sắm quần áo, giày dép mới.

“Bình thường, mình chủ yếu tập trung vào các đợt sale và cuối năm để mua đồ cần thiết. Năm nay, đồ gần như hỏng hết rồi mà đợt sale Black Friday vừa rồi mình cũng không sắm sửa gì”.

Điều Hoàng lo lắng hơn cả là Tết năm nay có thể về quê “tay trắng”, không có quà cho gia đình. Anh cũng không chắc công ty có cắt thưởng cuối năm hay không.

Do dịch, Hoàng còn phải hoãn hôn lễ dù bạn gái đã có bầu. Vợ chưa cưới của anh hiện ở quê để tiết kiệm chi phí. Dù muốn chuyển việc để bớt vất vả và lo cho gia đình tốt hơn, Hoàng nói ít nhất phải chờ qua năm nay vì tình hình dịch bệnh còn phức tạp.

Chung cảnh ngộ, Vũ Xuân Lai (làm việc trong ngành xây dựng, Hà Nội) cũng phải đắn đo hơn khi chi tiêu trong thời gian vừa rồi và cả những ngày sắp tới vì tình hình tài chính không ổn định.

“Cũng may mình không có thú vui hay đầu tư gì đắt đỏ hoặc nuôi thú cưng nên có thể chủ động điều chỉnh việc mua sắm. Vào mùa đông này, mình bớt thêm được một khoản mua nước bởi vào mùa hè, vì hay phải làm việc bên ngoài, mình thường xuyên mua nước ngọt, nước có gas, ít nhất mỗi ngày một chai, một tháng cũng tốn vài ba trăm nghìn rồi”.

Cả năm nay, Lai ước tính thời gian có thể đi làm chỉ khoảng 7 tháng do dịch bệnh. Dịp cuối năm, anh chỉ hy vọng được làm việc liên tục, bù lại những ngày công đã mất.

"Chắc chắn 2021 là một năm khó khăn hơn năm ngoái nhiều. Không dám mong tiền bạc dư dả, mình chỉ hy vọng cuối năm gom đủ một khoản nhỏ để sắm sửa cho bản thân và gia đình".

Mai An - Thiên Nhi

ZING