Ngân hàng kỳ vọng bơm ròng nửa triệu tỷ đồng ra thị trường quý I

Ngân hàng kỳ vọng bơm ròng nửa triệu tỷ đồng ra thị trường quý I

Đây là số tiền các ngân hàng sẽ bơm ra nền kinh tế qua kênh cho vay trong 3 tháng đầu năm nay, nếu đạt tăng trưởng tín dụng 5,3% trong quý I/2022 như các nhà băng dự báo.

Vụ Dự báo, thống kê (thuộc Ngân hàng Nhà nước) vừa công bố báo cáo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các tổ chức tín dụng quý I/2022.

Một điểm đáng chú ý được ghi nhận trong báo cáo là kỳ vọng tăng trưởng tín dụng quý I năm nay của các ngân hàng lên tới 5,3%, cao hơn nhiều so với mức tăng 2,95% cùng kỳ năm 2021. Thậm chí, mức tăng tín dụng kỳ vọng này cũng cao hơn nhiều so với cùng kỳ trong hơn một thập niên trở lại đây.

Với dư nợ tín dụng đến cuối năm 2021 khoảng 10,35 triệu tỷ đồng (theo NHNN), ước tính, nếu tăng trưởng tín dụng đạt 5,3% quý I như dự báo của các ngân hàng, sẽ có khoảng 548.550 tỷ đồng được bơm ròng ra nền kinh tế chỉ trong 3 tháng đầu năm thông qua kênh cho vay.

Tạm tính theo số liệu này, các nhà băng sẽ phải bơm ròng ra nền kinh tế 6.095 tỷ/ngày trong suốt giai đoạn tháng 1-3 để đạt mức tăng trưởng tín dụng kỳ vọng trên.

Tuy vậy, số bơm tiền này vẫn thấp hơn mức gần 8.800 tỷ đồng/ngày mà các nhà băng đã thực hiện trong giai đoạn 25/11/2021 đến 22/12/2021. Cụ thể, trong chưa đầy 1 tháng cuối năm 2021, NHNN ước tính tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đã đạt 2,58%, tương đương có hơn 237.000 tỷ đồng đã được các ngân hàng cho vay ròng ra thị trường.

Ngoài kỳ vọng tăng trưởng tín dụng quý I, các ngân hàng cũng dự báo tăng trưởng tín dụng cả năm nay sẽ đạt 14,1%, giảm nhẹ so với mức dự báo 14,3% trước đó.

Ở chiều nguồn vốn, các ngân hàng kỳ vọng huy động vốn toàn hệ thống tăng bình quân 2,6% trong quý I và tăng 12,1% trong năm 2022. Trong đó, 95% ngân hàng dự báo tổng huy động vốn tăng trưởng dương trong năm nay; 3% dự báo ổn định và chỉ 2% ngân hàng dự báo huy động vốn tăng trưởng âm năm 2022.

Cũng tại báo cáo điều tra này, các ngân hàng cho biết thanh khoản hệ thống đã duy trì trạng thái tốt trong quý IV/2021 nhưng không dồi dào bằng quý III liền trước đối với cả tiền Đồng và ngoại tệ. Tính chung cả năm 2021, đa số ngân hàng cho biết thanh khoản đã cải thiện hơn so với năm 2020, nhưng không bằng mức độ cải thiện của năm 2020 so với 2019.

Tuy vậy, thanh khoản toàn hệ thống được kỳ vọng tiếp tục duy trì trạng thái tốt, cải thiện nhiều hơn trong quý I năm nay.

Các ngân hàng dự báo mặt bằng lãi suất tiếp tục thấp trong quý I và tăng nhẹ vào cuối năm 2022. Ảnh: Nam Khánh.

Dù đầu tháng 12/2021, một số ngân hàng đã điều chỉnh tăng nhẹ lãi suất huy động vốn, nmặt bằng lãi suất huy động - cho vay đến cuối năm này vẫn được các ngân hàng kỳ vọng giữ xu hướng giảm so với cuối năm 2020. Tuy nhiên, kỳ vọng về mức độ giảm bình quân toàn hệ thống so với cuối năm 2020 thấp hơn.

Dự báo mặt bằng lãi suất sẽ được giữ ổn định trong quý I và có thể tăng nhẹ trở lại vào cuối năm nay.

Về kết quả kinh doanh, các ngân hàng cho biết tình hình kinh doanh chung của hệ thống có sự phục hồi và cải thiện rõ rệt trong quý cuối cùng của năm 2021 so với quý trước. Điều này đã nâng kỳ vọng về xu hướng cải thiện tích cực tình hình kinh doanh trong năm 2021 so với năm 2020.

Trong thời gian tới, đa số ngân hàng đều kỳ vọng tình hình kinh doanh quý I và cả năm 2022 cải thiện hơn so với năm 2021.

Riêng quý I năm nay, gần 1/2 số ngân hàng kỳ vọng kết quả kinh doanh tăng trưởng so với quý IV/2021, trong đó chủ yếu là tăng nhẹ. Trong khi chỉ khoảng 8% ngân hàng lo ngại kết quả kinh doanh giảm, còn lại là kỳ vọng hiệu quả kinh doanh không đổi.

Dự kiến trong cả năm 2022, khoảng 95% ngân hàng kỳ vọng lợi nhuận trước thuế sẽ tăng trưởng dương; 3% kỳ vọng không đổi và 2% lo ngại lợi nhuận sẽ giảm.

Quang Thắng

ZING