Sao lại ngại cởi trói cho doanh nghiệp!

Sao lại ngại cởi trói cho doanh nghiệp!

Quốc hội đang thảo luận dự thảo sửa đổi một số luật quan trọng, trong đó điều khoản sửa đổi tại Luật Nhà ở đang được các doanh nghiệp bất động sản quan tâm.

Nhất là cho phép nhà đầu tư có quyền sử dụng đất ở hợp pháp và các loại đất khác không phải là đất ở; có quyền sử dụng các loại đất khác không phải là đất ở được đầu tư xây dựng dự án nhà ở thương mại, với điều kiện khu đất phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về đất đai, trừ trường hợp Nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, thu hồi đất để phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng và các trường hợp thu hồi khác theo quy định của pháp luật.

Theo quy định hiện hành, doanh nghiệp chỉ được đầu tư xây dựng dự án nhà ở thương mại ở những khu đất có 100% diện tích là đất ở.

Việc sửa đổi này được kỳ vọng sẽ giúp tháo gỡ khó khăn cho hàng trăm dự án nhà ở chỉ riêng tại Hà Nội và TPHCM, vốn đã bị trói chặt do luật trong suốt nhiều năm qua. Thế nhưng, không ít đại biểu Quốc hội vẫn tỏ ra ngần ngại với đề xuất cởi trói cho doanh nghiệp này.

Mối lo ngại đầu tiên của một số đại biểu là việc cho phép doanh nghiệp được chuyển đổi từ đất nông nghiệp sang đất ở để làm dự án nhà ở thương mại, mà không qua đấu thầu hoặc đấu giá đất, sẽ làm cho nhà nước thất thu.

Sự lo ngại này cũng hơi lạ, vì trừ đất công ra thì nhà nước không thể lấy đất mà doanh nghiệp và người dân đang có quyền sử dụng hợp pháp ra để đấu giá, cho dù là tiền chênh lệch thu được từ đấu giá sẽ vào ngân sách nhà nước.

Mối lo thứ hai là sợ doanh nghiệp sẽ thu gom đất nông nghiệp rồi xin chuyển mục đích sử dụng để làm dự án.

Khả năng này là có. Tuy nhiên, trên thực tế, dù doanh nghiệp không thu gom đất nông nghiệp thì vẫn có hàng chục ngàn, hàng trăm ngàn những cá nhân khác đã và đang tích cực tham gia thu gom đất nông nghiệp, đầu cơ mua đi bán lại để kiếm lời. Việc này chẳng những gây ra nhiều hệ lụy xấu cho thị trường bất động sản, mà còn có nguy cơ rất cao biến các khu đất nông nghiệp thành những khu đô thị tự phát với hàng trăm ngôi nhà xây không phép, làm xấu mỹ quan đô thị và nhiều hệ lụy khác về môi trường và xã hội.

Thay vì lo ngại doanh nghiệp thu gom đất, Quốc hội hãy thiết kế ra những quy định để bảo vệ người dân có quyền sử dụng đất hợp pháp. Chẳng hạn như ngăn chặn tình trạng doanh nghiệp lợi dụng quy hoạch, lợi dụng làm dự án để chèn ép người dân, như không cho phép họ được chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho người khác ngoài chủ đầu tư; không cho chuyển đổi công năng sử dụng đất; hoặc không cho phép người dân được xây dựng nhà ở trên đất quy hoạch…

Riêng với lo ngại về khả năng thất thu thuế, việc sửa luật và minh bạch cho doanh nghiệp được triển khai dự án một cách thuận tiện chính là giúp tăng thu cho ngân sách. Vì một khi dự án bị ách tắc, không triển khai được, thì doanh nghiệp cũng không thể nộp thuế cho Nhà nước.

Ngoài ra, dù luật lệ có ngăn cản, hoặc làm khó được doanh nghiệp khi xin chuyển đổi đất nông nghiệp sang đất ở để làm dự án, nhưng cũng không thể ngăn được người dân mua bán sang tay mảnh đất của họ. Hoạt động này đã diễn ra rất sôi nổi trong nhiều chục năm qua và tất nhiên Nhà nước chẳng thu được đồng thuế nào từ hoạt động mua bán sang tay này. Đó là chưa kể luật lệ càng gây khó khăn thì nguồn cung nhà ở càng hạn hẹp và giá nhà ở càng leo thang. Hệ quả này rõ ràng không có lợi cho đại đa số người dân và cho cả nền kinh tế.

Tóm lại, luật cần tạo điều kiện cho ngành kinh doanh bất động sản phát triển hợp pháp, minh bạch và thuận lợi. Càng nhiều ràng buộc, càng nhiều cấm đoán thì chỉ tạo cơ hội cho những nhóm lợi ích dễ thao túng và vơ vét đất đai. Ngoài ra, đó cũng là mảnh đất màu mỡ để hoạt động mua bán đất đai bất hợp pháp phát triển mạnh.

Tấn Đức

TBKTSG