Cách lập ngân sách chi tiêu hợp lý dành cho người bận rộn

Cách lập ngân sách chi tiêu hợp lý dành cho người bận rộn

Nếu không có thời gian và thường xuyên đau đầu mỗi lần lập bảng cân đối chi tiêu hàng tháng, bạn có thể thử phương pháp 80:20.

Theo một khảo sát với 1.938 người vào năm 2021 của The Penny Hoarder, có tới một nửa số người Mỹ không nắm rõ lượng chi tiêu hàng tháng. Đây là tình trạng tương đối phổ biến và có thể xảy ra với bất cứ ai.

Việc định sẵn ngân sách có thể giúp bạn tránh vung tiền vào những chi phí không cần thiết và bảo vệ khoản tiết kiệm. Tuy nhiên, thói quen này không phải lúc nào cũng dễ dàng nếu bạn là người bận rộn hoặc không quen với các ứng dụng hỗ trợ hay bảng tính.

Nếu gặp khó khăn trong vấn đề này, bạn có thể áp dụng quy tắc 80:20. Theo đó, bạn nên dành 20% thu nhập cho mục đích tiết kiệm, đầu tư, trả nợ hoặc xây dựng các quỹ khẩn cấp. 80% thu nhập còn lại hướng đến những nhu cầu cơ bản, thiết yếu như tiền ăn, tiền thuê nhà, điện nước hay giải trí.

Hãy dành 80% tiền lương cho nhu cầu cơ bản, cần thiết và tiết kiệm 20% còn lại. Ảnh: iStock.

Mỗi khi nhận lương, hãy lập tức chia thu nhập thành hai khoản như trên để áp dụng. Thao tác này mang đến sự đơn giản và thuận tiện cho bất cứ cá nhân nào không muốn phức tạp hóa quá trình chi tiêu.

Quy tắc 80:20 là phiên bản giản lược của phương pháp 50:30:20. Cụ thể, bạn hãy dành 50% thu nhập cho nhu cầu thiết yếu, 30% cho nhu cầu tùy ý như ăn uống ở nhà hàng, đi xem phim… và 20% còn lại cho tiết kiệm.

50:30:20 là phương pháp chi tiêu hợp lý. Song, nhược điểm của chúng là khó phân biệt đâu là nhu cầu cần thiết và có thể bỏ qua để lập ngân sách.

Đối với 80:20, hãy cố gắng tiết kiệm càng nhiều càng tốt. Khi đạt được mục tiêu 20%, bạn có thể nâng tỷ lệ tiết kiệm lên 70:30 hoặc 60:40.

Bạn không cần đưa toàn bộ số tiền tiết kiệm vào ngân hàng, thay vào đó hãy tìm hiểu một số hình thức đầu tư ít rủi ro để tạo sự linh hoạt và cơ hội kiếm lời.

Ngọc Phương Linh

ZING