Những con số gây sốc về tỷ phú và người nghèo

Những con số gây sốc về tỷ phú và người nghèo

Trong đại dịch Covid-19, cứ 30 giờ đồng hồ lại có một tỷ phú mới xuất hiện. Giờ đây, cứ sau 33 giờ lại có một triệu người rơi vào cảnh nghèo cùng cực.

Đó là theo một báo cáo mới có tên là “Hưởng lợi từ nỗi đau”, được tổ chức phi lợi nhuận Oxfam có trụ sở tại Vương quốc Anh công bố vào ngày 23/05. Để biên soạn báo cáo này, Oxfam đã kiểm tra dữ liệu thu thập từ danh sách các tỷ phú hàng năm của Forbes và từ Ngân hàng Thế giới (WB).

Báo cáo cho thấy có tổng cộng 573 người lần đầu tiên trở thành tỷ phú từ tháng 03/2020 đến tháng 3/2022, khi các ngân hàng trung ương bơm hàng ngàn tỷ USD vào nền kinh tế toàn cầu. Dòng tiền này đã dẫn đến sự tăng giá của tài sản, khiến túi tiền của các tỷ phú sở hữu tài sản tăng lên. Tài sản của 10 người giàu nhất trong danh sách tỷ phú của Forbes đã tăng gấp đôi, từ 700 tỷ USD lên 1.5 ngàn tỷ USD, trong khoảng thời gian từ tháng 3/2020 đến tháng 11/2021, Oxfam ước tính.

Trong Danh sách tỷ phú thế giới năm 2022, Forbes cho thấy Trung Quốc đã sản sinh ra 62 tỷ phú mới, trong đó có Chris Xu, người sáng lập hãng thời trang trực tuyến khổng lồ Shein. Mỹ sản sinh ra số lượng tỷ phú cao thứ hai, với 50 tỷ phú được thêm vào danh sách, trong đó có Gary Wang, đồng sáng lập sàn giao dịch tiền điện tử FTX, và ba thành viên gia đình của công ty nông nghiệp Cargill có trụ sở tại Minnesota. Gia đình Cargill có một khối tài sản tổng cộng tính đến tháng 09/2021 là 51 tỷ USD, theo Bloomberg.

Trong khi các tỷ phú trên toàn cầu được hưởng vận may như diều gặp gió, thì những người bình thường tiếp tục gánh chịu tác động của đại dịch.

Vào tháng 01/2021, nước Mỹ có 8.1 triệu bị rơi vào cảnh nghèo đói, cây bút Ayelet Sheffey của Business Insider đưa tin, trích dẫn một nghiên cứu của các nhà kinh tế Đại học Chicago và Đại học Notre Dame. Oxfam dự kiến ​​sẽ có thêm 263 triệu người rơi vào cảnh nghèo cùng cực vào cuối năm 2022.

Báo cáo nêu rõ, trên khắp thế giới, một người bình thường phải vật lộn với lạm phát và chi phí gia tăng của các mặt hàng thiết yếu như bột mì, nhiên liệu và điện. Trong khi các công ty trong các lĩnh vực như năng lượng, thực phẩm và dược phẩm đã đạt được lợi nhuận cao kỷ lục, tiền lương của người lao động trong các ngành tương tự chỉ tăng ở mức tối thiểu.

“Suốt nhiều thập niên, những người siêu giàu đã gian lận mà không bị trừng phạt nên giờ đây họ đang thu về nhiều lợi ích. Họ đã chiếm được một lượng tài sản đáng kinh ngạc của thế giới do quá trình tư nhân hóa và độc quyền, cắt bỏ những quy định và quyền của người lao động trong khi tích trữ tiền mặt của họ ở các thiên đường thuế”, Gabriela Bucher, giám đốc điều hành của Oxfam International, cho biết trong thông cáo báo chí của Oxfam.

Để khắc phục sự chênh lệch giàu nghèo, Oxfam khuyến nghị đánh thuế tài sản vĩnh viễn đối với các triệu phú và tỷ phú lần lượt là 2% và 5% một năm. Oxfam ước tính khoản thuế tài sản này có thể tạo ra 2.52 ngàn tỷ USD mỗi năm, giúp 2.3 tỷ người thoát khỏi cảnh đói nghèo.

Nhã Thanh (Theo Business Insider)

FILI