Thị trường bảo hiểm nhân thọ tăng trưởng chậm lại

Thị trường bảo hiểm nhân thọ tăng trưởng chậm lại

Thị trường bảo hiểm nhân thọ trong 4 tháng đầu năm đã tăng trưởng chậm lại vì ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, dù đại dịch được đánh giá là cú hích về thay đổi nhận thức của ngành bảo hiểm.

Theo thông tin cập nhật từ Hiệp hội Bảo hiểm, thị trường bảo hiểm nhân thọ tăng trưởng chậm lại trong thời gian qua. Cụ thể, trong 4 tháng đầu năm, doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới đạt 15.000 tỉ đồng, giảm 8% so với năm 2021, còn tổng phí bảo hiểm đạt gần 52.000 tỉ đồng, tăng 4,5% so với cùng kỳ.

Số lượng hợp đồng khai thác mới khoảng 926.000 hợp đồng, giảm 23%, chủ yếu giảm ở sản phẩm bảo hiểm tử kỳ, liên kết chung giảm 22-27%, nhưng ngược lại sản phẩm liên kết đơn vị tăng gấp đôi, bảo hiểm sức khỏe tăng 30%.

Một xu hướng thấy rõ là sản phẩm đầu tư được chú ý, trong bối cảnh thị trường chứng khoán được chú ý trong thời gian qua, trong khi sản phẩm truyền thống suy giảm.

Theo ông Ngô Trung Dũng, Phó tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm, ước tính tốc độ tăng trưởng thị trường trong năm nay sẽ tiếp tục chậm lại, sau khi quy mô thị trường tăng gấp đôi sau mỗi ba năm. Trong giai đoạn 2011-2019, thị trường luôn giữ đà tăng trưởng ổn định, có những năm trên 30%, đến năm 2019 thì tốc độ giảm còn khoảng 21-22%.

Thị phần các công ty bảo hiểm khai thác mới trong 4 tháng đầu năm. Ảnh chụp màn hình.

Một trong số các yếu tố ảnh hưởng chính là Covid-19, dù đại dịch mang đến điểm tích cực là giúp cộng đồng nhận thức tốt hơn về vai trò ngành bảo hiểm.

Chia sẻ thêm về thực trạng ngành, ông Sang Lee, Tổng giám đốc Manulife Việt Nam, cho biết thực tế lượng tuyển dụng nhân sự đang thấp hơn cùng kỳ năm ngoái. Tác động của đại dịch Covid-19, kể cả những đợt giãn cách xã hội ở các thành phố lớn đã ảnh hưởng lớn đến ngành. Tuy nhiên, đại diện Manulife Việt Nam cho rằng trong nửa cuối năm, thị trường tuyển dụng toàn ngành sẽ quay trở lại.

“Ngành bảo hiểm nhân thọ còn rất nhiều tiềm năng, bao gồm tỷ lệ thâm nhập bảo hiểm nhân thọ còn thấp, nhu cầu ngày càng tăng của khách hàng đối với các sản phẩm và dịch vụ do đại dịch và xu hướng nhiều người đang tìm kiếm thêm nguồn thu nhập”, ông Sang Lee lý giải.

Theo số liệu của Tổ chức Swiss Re, nhu cầu bảo hiểm nhân thọ chưa được đáp ứng (sự chênh lệch giữa nhu cầu tài chính và nguồn lực hiện hữu) của Việt Nam ước tính lên tới 1,77 ngàn tỉ đô la Mỹ trong năm 2021, trong khi nhu cầu bảo vệ sức khỏe chưa được đáp ứng là khoảng 36 tỉ đô la.

Các chuyên gia trong bảo hiểm nhận định hiện có nhiều động lực để thúc đẩy thị trường Việt Nam phát triển trong dài hạn, bao gồm quy mô thị trường còn nhỏ, tỷ lệ người có hợp đồng bảo hiểm chưa cao, thu nhập và kiến thức của người dân được cải thiện.

Bên cạnh đó, theo ông Dũng, một động lực khác là việc cải tiến sản phẩm và chất lượng dịch vụ. Các doanh nghiệp bảo hiểm đang không ngừng nâng cao dịch vụ chăm sóc khách hàng, tăng cường độ tương tác với khách hàng và làm việc này tương đối tốt. Các khâu thẩm định, bồi thường bảo hiểm cũng được thực hiện nhanh chóng hơn trước.

Tuy nhiên, đại diện Hiệp hội Bảo hiểm cũng cho rằng việc cải tiến chất lượng sản phẩm chưa được nhanh. “Hiện nay, chúng ta đang có khoảng 800 đầu sản phẩm nhưng xét về tính đa dạng, phù hợp cho người tiêu dùng vẫn chưa phải là tối ưu nhất. Nếu cải thiện được điều này nữa thì rất tốt, và dĩ nhiên các doanh nghiệp đang tập trung vào điều này”, ông Dũng nói.

Dũng Nguyễn

TBKTSG