Chiến lược mới của ngành dệt may Campuchia

Chiến lược mới của ngành dệt may Campuchia

Nếu được thực hiện đồng bộ, chiến lược phát triển mới có thể đưa ngành dệt may và các ngành liên quan của Campuchia “lên tầm cao mới” và thúc đẩy khả năng cạnh tranh trên phạm vi toàn cầu, theo Tổng thư ký Hiệp hội các hãng may mặc Campuchia (GMAC).

Ngày 21/03, Bộ Kinh tế và Tài chính (MEF) đã giới thiệu “Chiến lược phát triển ngành may mặc, giày dép và sản phẩm du lịch (GTF) Campuchia giai đoạn 2022 - 2027”. Chiến lược này được đề ra với hy vọng thiệt lập các mục tiêu phát triển tổng thể nhằm giúp ngành dệt may của Vương quốc đạt được khả năng độc lập, đồng thời đảm bảo tính bền vững và toàn diện.

Phát biểu tại phiên họp giới thiệu và chính thức thực hiện chiến lược, Quốc vụ khanh MEF, ông Phan Phalla, cho rằng mục tiêu tổng thể của chiến lược là phát triển lĩnh vực GTF của Campuchia trở nên độc đáo hơn, cạnh tranh hơn, thúc đẩy giá trị gia tăng, có thể phục hồi và bền vững với môi trường.

Phát biểu trên trang Phnom Penh Post, Tổng thư ký GMAC, ông Ken Loo, cho rằng GMAC đã tích cực tham gia vào sự phát triển của ngành bằng cách nâng cao các kỹ năng, mở rộng chuỗi giá trị và dòng vốn đầu tư, đồng thời “nhiệt tình tham gia” vào việc soạn thảo chiến lược.

Theo ông Loo, những động thái hữu hình đã được thực hiện nhằm hoàn thành các mục tiêu đã được đề ra trong chiến lược. Các chủ đề liên quan trong chiến lược như khả năng tuyển dụng và nâng cao kỹ năng; logistics và chuỗi giá trị; đầu tư thượng nguồn và hạ nguồn; năng lượng tái tạo. “Nếu được thực hiện toàn diện, chiến lược này chắc chắn sẽ giúp lĩnh vực dệt may của chúng tôi cạnh tranh hơn trên phạm vi toàn cầu”.

Tham dự phiên họp giới thiệu chiến lược 5 năm này hôm 21/03, Bộ trưởng Lao động và Dạy nghề Ith Samheng cho rằng tài liệu chính sách này là lộ trình để “xác định tầm nhìn chung, các mục tiêu và cả những kế hoạch chiến lược nhằm quản lý và thúc đẩy lĩnh vực này trong bối cảnh Campuchia”.

Bộ trưởng Ith Samheng nói: “Chiến lược này giúp Campuchia có thể nắm bắt cơ hội cũng như ứng phó với những thay đổi nhanh chóng trong khuôn khổ khu vực và toàn cầu. Chiến lược này nhằm chuyển ngành dệt may của Campuchia thành một ngành công nghiệp bền vững với môi trường, có khả năng phục hồi và giá trị gia tăng cao”.

Cũng tại sự kiện hôm 21/03, Bộ trưởng MEF Aun Pornmoniroth lưu ý rằng đây là chiến lược đầu tiên hướng tới “thúc đẩy sự tăng trưởng của ngành may mặc trong ngắn hạn, trung hạn và cả dài hạn”.

Trong suốt giai đoạn 5 năm này, “ngành may mặc sẽ tiếp tục đóng vai trò là trụ cột kinh tế tiềm năng của Vương quốc. Vai trò đó sẽ thể hiện thông qua việc mở rộng và củng cố các nền tảng công nghiệp sản xuất xuất khẩu trong nước, đồng thời cải thiện chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu”, Bộ trưởng MEF nói.

Trước thời điểm đề ra chiến lược, xuất khẩu hàng may mặc, giày dép, mặt hàng du lịch và các sản phẩm liên quan đến dệt may của đất nước Chùa Tháp đã đạt được xu hướng tăng trưởng đáng kể. Trong quý 1/2022, kim ngạch xuất khẩu lĩnh vực này đạt 3.155 tỷ USD, tăng 24.8% so với cùng kỳ năm 2021, theo Tổng cục Thuế và Hải quan Campuchia (GDCE).

Theo Tổng thư ký GMAC, trong suốt quý 1/2022 Mỹ là nhà nhập lớn nhất, chiếm 43% kim ngạch xuất khẩu lĩnh vực dệt may của Campuchia. Trong khi dữ liệu của GDCE không nêu số liệu cụ thể, ông Loo cho biết xuất khẩu hàng may mặc và hàng du lịch tăng lần lượt 20% và 48% so với cùng kỳ năm ngoái.

Bên cạnh đó, ông Loo cũng chỉ ra rằng chiến sự Nga-Ukraine đã đẩy giá nhiên liệu tăng cao, gây áp lực lên chi phí logistics. Trong khi đó tình hình Covid-19 bùng phát tại Thượng Hải và những nơi khác ở Trung Quốc cũng gây ra sự gián đoạn chuỗi cung ứng chính.

Tuy nhiên, “ngành sản xuất hàng hóa du lịch sẽ tiếp tục phát triển”, ông nói. “Khi mức lương tối thiểu của chúng ta tiếp tục tăng và vẫn cao hơn so với các đối thủ cạnh tranh, chúng ta cần cải thiện và nâng cao kỹ năng cho người lao động để nâng cao năng suất và cũng để phát triển chuỗi giá trị”.

Khai Tâm (Theo Phnom Penh Post)

FILI