Sóng 2G sắp bị cắt

Sóng 2G sắp bị cắt

Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TTTT) đang đặt mục tiêu giảm số lượng điện thoại chỉ sử dụng mạng 2G/3G xuống dưới 5% nhằm đạt điều kiện triển khai kế hoạch tắt sóng 2G.

Theo số liệu của Cục Viễn thông (Bộ TTTT), tính đến tháng 6, cả nước hiện có 124,9 triệu thuê bao điện thoại di động phát sinh lưu lượng. Trong đó, số thuê bao đang hoạt động chỉ sử dụng thoại, tin nhắn (gồm smartphone và feature phone - điện thoại cơ bản) đạt 43,4 triệu đơn vị, chiếm khoảng 34% tổng số thuê bao. Phần còn lại thuộc về 81,5 triệu thuê bao điện thoại di động có sử dụng dữ liệu.

Từ cuối năm 2021 đến tháng 3, Việt Nam có thêm 2 triệu thuê bao sử dụng smartphone, nâng tổng số thuê bao dùng smartphone lên 93,5 triệu đơn vị. Ước tính tỷ lệ người trưởng thành sử dụng smartphone khoảng 73,5%.

Dù số người dùng smartphone bắt đầu tăng mạnh trong vài năm qua (từ 59,2% vào năm 2018), lượng người sử dụng featurephone vẫn tương đối lớn. Nếu có thể giảm số lượng điện thoại chỉ sử dụng mạng 2G/3G xuống dưới 5%, ngành viễn thông sẽ có đủ điều kiện thực hiện tắt sóng 2G.

Dọn đường cho công nghệ mới

“Sau 30 năm, 2G đã hoàn thành sứ mạng của nó. Mỗi người đã có một chiếc điện thoại để nghe gọi. Việc tắt sóng 2G và hỗ trợ máy 4G cho người dân sẽ giúp Việt Nam trở thành một trong số ít những nước có 100% người tiêu dùng sử dụng điện thoại thông minh và sẵn sàng cho công dân điện tử”, Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng từng phát biểu.

Kế hoạch tắt sóng 2G được Bộ đề xuất từ cuối năm 2019. Dự kiến, sau khi đủ điều kiện về số lượng người dùng featurephone, Việt Nam có thể ngừng hỗ trợ sóng 2G vào năm 2023.

Việc tắt sóng 2G không mới và đã được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng. Không chỉ mở lối cho nhiều công nghệ mới, giải pháp này còn giúp các công nghệ hiện nay như 4G, 5G, 6G tối ưu hóa hiệu suất hoạt động.

Kế hoạch tắt sóng 2G vào năm 2023 sẽ nâng tỷ lệ người dân sử dụng smartphone hay tham gia vào các dịch vụ số. Đây cũng là mục tiêu quan trọng trong Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến 2030 do Thủ tướng phê duyệt.

Sóng 2G chủ yếu hoạt động ở băng tần dưới 1 GHz, điển hình như dải tần 850, 900, 1.800 hoặc 1.900 MHz. Tại Việt Nam, sóng 4G đang phải chia sẻ băng tần 1.800 MHz với 2G và là một trong những lý do ảnh hưởng tiêu cực đến tốc độ của 4G. Nếu được giải phóng, tốc độ mạng của 4G có thể tăng thêm những 25% so với hiện tại.

Chia sẻ hồi đầu năm 2020, lãnh đạo Cục Viễn thông cho biết việc dừng công nghệ di động cũ 2G sẽ giúp người dân sớm chuyển đổi lên môi trường điện tử và đẩy mạnh tốc độ chuyển đổi số ở Việt Nam. Bên cạnh đó, doanh nghiệp viễn thông có thể giảm bớt gánh nặng chi phí vận hành công nghệ cũ, có cơ hội chuyển dịch các dịch vụ viễn thông truyền thống lên nền tảng dữ liệu.

Ngoài ra, việc giải phóng băng tần giúp hạn chế tình trạng tin nhắn rác và lừa đảo. Thông qua các thiết bị công nghệ cao như trạm phát sóng di động BTS, đối tượng lừa đảo có thể gây nhiễu tần số; phát tán tin nhắn rác (lên tới 80.000 tin nhắn/ngày); can thiệp vào hoạt động viễn thông để giả mạo tin nhắn từ cơ quan Nhà nước; quảng bá một số hoạt động, dịch vụ trái pháp luật như cờ bạc, cá độ…

Đáp ứng mọi điều kiện để tắt sóng 2G

Theo ông Huỳnh Quang Liêm - Tổng giám đốc Tập đoàn VNPT - Bộ TTTT nên công bố lộ trình này, có thể từ ngày 1/1/2023 để tạo nhận thức cho xã hội. Đến tháng 9/2024, các nhà mạng sẽ thực hiện tắt hoàn toàn mạng 2G.

Cơ quan quản lý cũng cần xây dựng chính sách quy hoạch băng tần sau khi tắt sóng 2G cho các nhà mạng. Đồng thời, cần có kế hoạch tài chính phục vụ cho việc tắt sóng 2G như hỗ trợ người dùng chuyển đổi thiết bị.

Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội Viettel Tào Đức Thắng cho rằng quyết định tắt sóng công nghệ cũ phụ thuộc vào chiến lược của Bộ TTTT, nhu cầu của khách hàng và chiến lược của nhà mạng. Do vậy, kế hoạch cần có sự giải quyết hài hòa, tối ưu nhất giữa 3 bên để vừa bảo đảm quyền lợi của khách hàng, hiệu quả của các nhà mạng và quan trọng là đáp ứng được chiến lược phát triển của đất nước.

Nhiều địa phương trên cả nước bắt đầu thí điểm tắt sóng 2G. Ảnh: Grain Central.

Để đạt điều kiện triển khai tắt sóng 2G, cơ quan quản lý đã đưa ra nhiều biện pháp nhằm giảm số lượng điện thoại di động chỉ sử dụng mạng 2G/3G. Nổi bật nhất là Thông tư số 43/2020/TT-BTTTT về ban hành “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thiết bị đầu cuối thông tin di động mặt đất - Phần truy nhập vô tuyến”, trong đó yêu cầu các sản phẩm thiết bị điện thoại di động chỉ có tính năng 2G, 3G hoặc kết hợp cả 2G và 3G không được sản xuất hoặc nhập khẩu vào Việt Nam.

Bên cạnh đó, Cục Tần số cũng khẳng định không cấp lại tần số cho 2G khi giấy phép của các nhà mạng hết hạn vào năm 2024. Mặt khác, Cục Viễn thông cho biết sẽ có lộ trình giảm giá kết nối thoại để thúc đẩy nguồn thu từ kết nối thoại sang kết nối dữ liệu.

Trên thực tế, hoạt động thí điểm tắt sóng 2G đã được các nhà mạng phối hợp với địa phương triển khai từ vài năm nay. Cuối 2020, MobiFone đã thử nghiệm tắt sóng 2G ở một số khu vực thuộc TP.HCM, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu. Nhà mạng Viettel thử nghiệm tắt sóng 2G/3G ở một số khu vực thuộc TP.HCM, Đà Nẵng, Thái Nguyên, Bình Dương, Quảng Bình, Nghệ An, Đồng Tháp, Ninh Bình, Huế.

Mới đây, Sở TTTT Lạng Sơn chỉ đạo 2 doanh nghiệp viễn thông là MobiFoneVNPT thí điểm tắt sóng 63 trạm 2G tại một số khu vực trên địa bàn. Tỉnh cũng cho biết sẽ đề xuất tắt sóng 2G toàn bộ thành phố, thị trấn nhằm đẩy nhanh quá trình phổ cập smartphone, góp phần chuyển đổi số tổng thể và toàn diện từ chính quyền số, xã hội số, kinh tế số…

Hiện Lạng Sơn còn 4 trạm 2G độc lập. Các trạm khác đều phủ sóng 3G hoặc 4G. Ngoài ra, đại diện tỉnh đã đề nghị Bộ TTTT bổ sung địa phương vào danh sách thí điểm thử nghiệm 5G.

Đối với người dân, trong Chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích đến năm 2025 do Phó thủ tướng Vũ Đức Đam phê duyệt, Chính phủ sẽ hỗ trợ một phần chi phí trang bị điện thoại thông minh cho 400.000 hộ.

Tại Hội nghị giao ban quản lý Nhà nước tháng 6, Bộ TTTT cũng giao Cục Viễn thông ban hành văn bản công bố lộ trình tắt sóng 2G tại Việt Nam, thời hạn hoàn thành vào ngày 15/8.

Minh Khánh

ZING