Thiệt hại nặng vì "thẻ vàng" IUU

Thiệt hại nặng vì "thẻ vàng" IUU

Ngành thủy sản Việt Nam trước nguy cơ mất 500 triệu USD/năm nếu không sớm gỡ “thẻ vàng” IUU.

Ngành thủy sản Việt Nam đang nỗ lực gỡ thẻ vàng IUU

Theo Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tính đến giữa tháng 6/2022, số lượng tàu cá lắp đặt thiết bị VMS là 28.079/30.074 tàu (đạt 93,4%), tăng 5,49%. Hệ thống giám sát tàu cá được triển khai đồng bộ từ trung ương đến địa phương; tổ chức trực ban 24/24 giờ để theo dõi, kiểm soát hoạt động của tàu cá trên biển, tổng hợp, phát hiệu tàu cá vi phạm theo quy định chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) của Ủy ban châu Âu (EC) để phối hợp, xác minh, xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định.

Việc truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác tại vùng biển Việt Nam được thực hiện theo chuỗi qua cơ chế xác nhận, chứng nhận nguồn gốc thủy sản từ khai thác hải sản đảm bảo thống nhất với hồ sơ kiểm soát tàu ra vào cảng; công tác xác nhận tại 52 cảng cá chỉ định, chứng nhận tại Chi cục Thủy sản, cấp chứng thư xuất khẩu và kiểm soát nguyên liệu tại các nhà máy chế biến.

Dù vậy, những vụ việc vi phạm vẫn còn xảy ra, và ước tính, những vi phạm đang gây thiệt hại lớn cho ngành thủy sản. Bên cạnh đó, còn gây hại môi trường và hệ sinh thái biển nghiêm trọng, đe dọa an ninh lương thực, tổn hại sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội toàn cầu. Bà Nguyễn Thị Trang Nhung - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Hợp tác Quốc tế (Tổng cục Thủy sản) - nhấn mạnh, khung pháp lý của Việt Nam đáp ứng được yêu cầu quốc tế, tạo nền tảng pháp luật chống lại IUU; xem việc quản lý đội tàu là yếu tố then chốt trong công tác giải quyết các khuyến nghị của EU về thẻ vàng… Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa thể kiểm soát hiệu quả việc tàu cá của ngư dân Việt Nam tham gia đánh bắt trái phép ở các vùng biển nước ngoài. Muốn gỡ thẻ vàng EC, đây là điều tiên quyết. Bên cạnh đó, cần kiểm soát hiệu quả nguồn gốc thủy sản nhập khẩu.

Theo các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản, việc EC áp “thẻ vàng” khiến xuất khẩu thủy sản của họ sang thị trường EU đang gặp khó khăn bởi sự kiểm tra ngặt nghèo khiến doanh nghiệp chậm trễ cung ứng hàng cho khách hàng, phát sinh chi phí. Càng khó khăn hơn khi sắp tới, thị trường Hoa Kỳ cũng sẽ áp dụng IUU. Hạ tầng cảng cá hạn chế cũng ngăn trở không nhỏ cho doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản...

Hai năm qua, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đã đem lại những kết quả tích cực, trong đó, thủy sản vẫn là ngành tận dụng tốt nhất cơ hội xuất khẩu. Tuy nhiên, theo bà Lê Hằng - Giám đốc Truyền thông Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản, “thẻ vàng” IUU là một trong những yếu tố làm hạn chế rất nhiều khi xuất khẩu thủy sản sang thị trường này. Để tận dụng thị trường EU, tăng cơ hội cho thủy sản, trước hết phải gỡ thẻ vàng IUU, lấy lại được “thẻ xanh”. Nếu “thẻ vàng” bị chuyển sang “thẻ đỏ”, Việt Nam có nguy cơ mất thị trường EU. Như vậy, sẽ mất 500 triệu USD/năm riêng cho ngành thủy sản sang EU. Đặc biệt, EU là thị trường định hướng sẽ chi phối các thị trường khác trong việc kiểm soát chặt về nguồn gốc xuất xứ

Nguyễn Hạnh

Báo Công Thương