7 bước đơn giản giúp bạn tự kiểm tra xem mình đã quản lý tài chính đúng cách hay chưa

7 bước đơn giản giúp bạn tự kiểm tra xem mình đã quản lý tài chính đúng cách hay chưa

Khi con trẻ đang chuẩn bị “trở lại trường học” thì cũng là thời điểm để người lớn quay về “những điều thường nhật” chẳng hạn như tài chính. Hãy tự kiểm tra tình trạng tài chính của mình. Sau đó nhìn vào tình trạng tài chính hiện tại rồi tìm ra những gì bạn cần làm để đi hoặc duy trì đúng hướng nhằm đạt được những mục tiêu tài chính mà mình mong muốn.

Bạn đang chi tiêu, vay mượn, tiết kiệm, đầu tư và bảo vệ tiền của mình như thế nào? Bạn nên thực hiện những thay đổi nào ngay bây giờ để giúp đối phó với những tác động của việc tăng giá, lãi suất cao hơn và thị trường tài chính biến động đối với số tiền trong ví và khoản tiền đầu tư mà bạn đang có?

1. Tìm ra tỷ lệ lạm phát cá nhân. Đầu tiên, bạn nên tìm hiểu lạm phát và lãi suất tăng có ảnh hưởng như thế nào đối với ngân sách của bạn.

Mặc dù lạm phát đang ở mức cao nhất trong 40 năm qua nhưng chúng ta không chi cùng một số tiền cho cùng một thứ. Hãy thu thập hóa đơn và sao kê ngân hàng để xem bạn đã chi tiêu bao nhiêu cho thực phẩm, nhà ở, xăng, giải trí, quần áo, giáo dục và các mặt hàng khác trong 12 tháng qua. Sau đó tính toán tỷ lệ lạm phát cá nhân của riêng bạn bằng cách làm như sau:

Cộng chi tiêu hàng tháng của bạn trong tháng trước và những gì bạn đã chi tiêu cho cùng một loại hàng hóa và dịch vụ ở một năm trước.

Lấy tổng chi tiêu của bạn trong tháng 7 năm 2022 trừ đi tổng chi tiêu tháng 7 năm 2021.

Chia số tiền chênh lệch đó cho tổng chi tiêu trong tháng 7 năm 2021.

Kết quả của phương trình đó là tỷ lệ lạm phát cá nhân của bạn.

Cho dù con số thực tế của bạn nhiều hơn hay ít hơn so với tỷ lệ lạm phát mới nhất của Chính phủ thì cũng không phải là vấn đề. Bạn nên xem lại các chi phí của mình để xem bạn đang chi tiêu như thế nào và những gì bạn có thể cắt giảm hoặc điều chỉnh lại ở mức thấp hơn.

Trở thành một người chi tiêu tiết kiệm hơn

Sau khi bạn đã tính toán tỷ lệ lạm phát cá nhân, đã đến lúc bạn hiểu rõ hơn về chi tiêu của mình.

2. Tránh rơi vào tình trạng “lạm phát lối sống”

Bạn có thể đã được tăng lương một chút hoặc chuyển sang một công việc mới kiếm được nhiều tiền hơn. Vậy tại sao không tự thưởng cho bản thân những buổi tối trong tuần được nghỉ ngơi vì bạn làm việc vất vả đến nỗi không có thời gian nấu nướng. Nếu những bữa ăn đó và chi phí giao hàng cao gấp đôi chi phí bạn định chi cho thực phẩm, nhưng lương mang về nhà không theo kịp thì bạn có thể là nạn nhân của "lạm phát lối sống" vì chi phí cho lối sống của bạn tăng nhanh hơn thu nhập của bạn. Tìm xem những khoản chi bạn có thể giảm hoặc cắt bỏ, như thẻ thành viên, tài khoản đăng ký không dùng đến hoặc thậm chí là đi du lịch.

3. Chỉ sử dụng một thẻ tín dụng

Sắp xếp khoa học có thể giúp bạn nhìn nhận rõ hơn những gì bạn đang chi tiêu. Nếu bạn có tất cả các giao dịch của mình ở một nơi, bạn sẽ dễ dàng theo dõi chi tiêu của mình hơn. Có cho mình một thẻ tín dụng trong ví để quẹt tại cửa hàng hoặc sử dụng để mua hàng trực tuyến. Nếu bạn sử dụng ví kỹ thuật số (Apple Pay hoặc Google Wallet) thì hãy sử dụng cùng một thẻ đó cho mọi thứ bạn mua.

4.  Đặt giới hạn và cảnh báo trên thẻ

Giới hạn mua hàng trên thẻ ghi nợ có thể thay đổi từ vài trăm đến vài nghìn USD một ngày. Ngân hàng thường đặt giới hạn đó, nhưng bạn có thể yêu cầu giới hạn thấp hơn nếu bạn nghĩ điều đó giúp bạn cân bằng chi tiêu. Một số thẻ tín dụng cũng sẽ cho phép bạn tự đặt giới hạn chi tiêu của riêng mình. Bạn cũng có thể đăng ký nhận thông báo (email, tin nhắn văn bản, thông báo nhắc nhở) để biết khi nào bạn đã mua hàng vượt quá số tiền quy định.

Duy trì tiết kiệm và đầu tư

Hạn chế chi tiêu có thể là một quyết định thông minh của bạn trong tình trạng giá cả, chi phí của hàng hóa và dịch vụ cơ bản đang tăng cao. Bạn nên xoay sở với sự không ổn định của nền kinh tế và các khoản đầu tư của mình như thế nào?

5. Giữ nhiều loại tài sản như cổ phiếu, trái phiếu và tiền mặt

Bạn nên giữ nhiều loại tài sản như cổ phiếu, trái phiếu và tiền mặt. Có một quỹ khẩn cấp dự trữ tiền mặt đủ để trang trải chi phí sinh hoạt là rất quan trọng. Bắt đầu bằng cách cố gắng để vào đó ít nhất ba tháng tiền sinh hoạt. Bạn cũng cần đầu tư kết hợp giữa cổ phiếu và trái phiếu (quỹ tương hỗ và/hoặc quỹ hoán đổi danh mục) để đảm bảo khoản tiết kiệm dài hạn của bạn theo kịp với lạm phát.

Bạn cần một sự đầu tư kết hợp phù hợp với mức độ rủi ro mà bạn sẵn sàng chấp nhận và mức độ rủi ro mà bạn cần phải chấp nhận để tiền của bạn có thể sinh sôi nhằm giúp bạn có đủ khả năng sống thoải mái trong tương lai. Cân nhắc một quỹ đầu tư hỗn hợp vào cổ phiếu lẫn trái phiếu và tự động cân bằng lại các khoản đầu tư ít rủi ro hơn khi bạn đến gần ngày nghỉ hưu hoặc một ngày "đã định" khác.

6. Kiểm tra các công cụ đầu tư trực tuyến

Bạn có thể tham khảo các công cụ đầu tư trực tuyến được cung cấp bởi các công ty môi giới lớn cũng như các tổ chức phi lợi nhuận để giúp bạn hiểu một số điều cơ bản về đầu tư. Ngoài ra, hãy nói chuyện người đại diện đến từ quỹ hưu trí (nếu có) để tìm hiểu thêm chi tiết về cách bạn có thể tận dụng tối đa các khoản đầu tư được cung cấp tại nơi làm việc của mình.

7. Làm việc với một cố vấn tài chính

Một nhà hoạch định tài chính có thể giúp bạn thiết lập một chiến lược nhằm theo dõi sự biến động của thị trường mà vẫn đạt được mục tiêu của bạn bằng cách phân chia tiền của bạn vào các loại tài sản khác nhau.

Tìm một nhà hoạch định tài chính được chứng nhận trong khu vực của bạn bằng cách truy cập Hội đồng CFP, Hiệp hội Kế hoạch Tài chính và các trang web của Hiệp hội Cố vấn Tài chính Cá nhân Quốc gia. Cuộc gặp đầu tiên của bạn thường sẽ được miễn phí. Nói chuyện với một vài cố vấn để tìm ra người mà bạn tin tưởng và phù hợp với nhu cầu của bạn.

Tuệ Nhiên (Theo CNBC)

FILI