'Mua trước trả sau' vào thế khó

'Mua trước trả sau' vào thế khó

Ngành công nghiệp “mua trước trả sau” đang trở nên khó khăn trước môi trường lãi suất cao và sức cạnh tranh ngày càng tăng.

Giá cổ phiếu của Goldman Sachs hôm thứ Ba tuần trước đã giảm 6% sau khi công bố kết quả kinh doanh tệ nhất chục năm qua. Các nhà phân tích ngay lập tức chất vấn Giám đốc điều hành của Goldman Sachs, ông David Solomon, về chiến lược ngân hàng tiêu dùng, đặc biệt liên quan tới GreenSky.

Goldman Sachs đã chốt thương vụ mua lại GreenSky - một công ty tiên phong trong lĩnh vực cho vay "mua trước trả sau" (BNPL) - với giá 2,2 tỷ USD và gọi đây là một phần quan trọng trong chiến lược xây dựng "nền tảng ngân hàng tiêu dùng của tương lai".

Mọi việc vẫn nằm trong quỹ đạo cho đến quý trước - lần đầu tiên Goldman công bố thu nhập của các đơn vị kinh doanh "giải pháp nền tảng" của mình, gồm cả GreenSky. Bức tranh không được khả quan khi doanh thu tăng nhưng bộ phận này đã lỗ 1,66 tỷ USD năm 2022.

Những rắc rối của Goldman với GreenSky là dấu hiệu cho thấy lĩnh vực "mua trước trả sau" đang không mấy quả quan. BNPL là một trong những lĩnh vực công nghệ tài chính phát triển nhanh nhất trong nhiều năm qua, với sự xuất hiện của startup Klarna có giá trị nhất ở châu Âu, hứa hẹn sẽ cách mạng hoá cách mọi người tiêu dùng và cách ngân hàng tiếp cận phân khúc mới, chính là giới tech-savvy (sành sỏi về công nghệ).

Nhưng tình thế hiện nay rất khó khăn. Các nhà cung cấp dịch vụ "mua trước trả sau" cung cấp các khoản vay miễn phí tới khách hàng, và khi lãi suất tăng, chi phí cho những khoản vay này trở nên đắt đỏ hơn. Việc chuyển chi phí này vào khách hàng sẽ rất khó khăn khi những người thích mua trả góp một chiếc áo khoác hoặc máy rửa bát, có thể bỏ đi khi phải gánh thêm một khoản phí.

Ngành công nghiệp BNPL đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng hiện hữu, khi lợi nhuận vẫn khó nắm bắt, định giá giảm mạnh, cạnh tranh gia tăng và cơ quan quản lý đặt ra những câu hỏi hóc búa về việc cho vay đằng sau hoạt động mua trước trả sau này.

Klarna, một startup trong lĩnh vực mua trước trả sau được SoftBank hậu thuẫn, cho tới nay vẫn là startup lớn nhất ở châu Âu với định giá từng lên tới 45,6 tỷ USD. Startup của Thuỵ Điển hoạt động từ 2005 và đã gây tiếng vang lớn ở thị trường Mỹ. Hãng từng chi hàng triệu USD cho Maya Rudolph - cựu nữ diễn viên nổi tiếng của "Saturday Night Live" cho chiến dịch quảng cáo, nhưng giờ đây, họ phải cắt giảm việc làm khi định giá rớt mạnh từ hàng chục tỷ USD xuống chỉ còn 6,5 tỷ USD, theo WSJ.

David Sykes, Giám đốc thương mại của Klarna, từng chia sẻ: "Thật ra, mua trước, trả sau chỉ là một tính năng. Nếu tất cả những gì bạn đang làm là cung cấp khả năng chia nhỏ giao dịch mua thành nhiều đợt, thì về lâu dài, chúng tôi không nghĩ mô hình kinh doanh đủ năng động." Hai trong số các startup làm về BNPL là Affirm và Afterpay, chưa bao giờ có lãi hàng năm.

Chuyện gì đã xảy ra? Ban đầu, những khách hàng mua trước trả sau thuờng xuyên nhất là phụ nữ trẻ mua quần áo và mỹ phẩm, và sau đó lan sang đối với người tiêu dùng ở mọi lứa tuổi với bất kỳ nhu cầu mua sắm đa dạng. Những ngày đầu phong toả, xe đạp tập thể dục hiệu Peloton là mặt hàng phổ biến được khách hàng chuộng mua trước trả sau. Trước đợt chào bán công khai lần đầu vào 2021, hãng Affirm cho biết việc phụ thuộc vào Peleton là một rủi ro khi đối tác thương mại này chiếm hơn một phần tư doanh thu.

Mua trước trả sau cũng ngày càng trở nên phổ biến hơn khi ngày càng nhiều công ty, từ American Express đến Citibank và PayPal cùng nhảy vào thị trường này. Apple cũng đã công bố kế hoạch tham gia vào mảng BNPL dù kế hoạch này bị trì hoãn đến cuối năm nay. Cạnh tranh gia tăng dự kiến sẽ làm giảm tỷ suất lợi nhuận của startup trong ngành, khi các đối tác bán hàng sẽ ngày càng mặc cả với một đội quân cung cấp dịch vụ mua trước trả sau.

Bên cạnh đó, dịch vụ BNPL cũng không phải là một giải pháp tài chính mới cho người tiêu dùng. Trong thời kỳ Đại suy thoái, các cửa hàng bách hóa đã bắt đầu các chương trình cho phép khách hàng trả góp, được thiết kế để giữ chân mọi người mua sắm hơn là tạo ra lợi nhuận trực tiếp. Hơn 80 năm sau, phiên bản fintech có thể kết thúc với mục tiêu tương tự.

Goldman nói rằng họ đã cam kết với GreenSky, nhưng các khoản lỗ đang chồng chất. Họ hy vọng dịch vụ "mua trước trả sau" sẽ thu hút thêm khách hàng mới, nhưng cho đến nay nó vẫn không mang lại khoản lợi nhuận như nhiều ngân hàng và công ty công nghệ kỳ vọng.

Quỳnh Trang

Vnexpress