Những tân binh “kém may mắn” trên sàn chứng khoán năm Nhâm Dần

Những tân binh “kém may mắn” trên sàn chứng khoán năm Nhâm Dần

Chào sàn giữa lúc thị trường sụt giảm mạnh và bi quan khiến phần lớn các tân binh đều “xám mặt” khi giá trị vốn hóa nhanh chóng “bay màu” so với kỳ vọng lúc ban đầu.

Thị trường chứng khoán Việt Nam đã trải qua một năm đầy biến động khi vượt mốc 1,500 điểm rồi tụt xuống 900 điểm và kết thúc năm ở mức 1,007 điểm.

Sự ảm đạm của thị trường xuất phát từ các vụ bắt bớ vì sai phạm trong phát hành trái phiếu liên quan nhóm Tân Hoàng Minh hay việc tăng vốn điều lệ khống hàng ngàn tỷ đồng trước khi niêm yết của FLC Faros, kéo dòng tiền trên thị trường chứng khoán sụt giảm mạnh.

Trong bối cảnh chung hết sức bất lợi, giao dịch giữa các nhà đầu tư cùng hoạt động phát hành mới hay chào sàn cũng chịu tác động tiêu cực.

Theo đó, sàn chứng khoán chứng kiến sự trầm lắng trong hoạt động chào sàn của các tân binh khi chỉ đón nhận thêm 14 thành viên mới trong năm Nhâm Dần; với 2 mã niêm yết mới trên sàn HOSE, 3 mã trên sàn HNX và 9 mã giao dịch mới trên UPCoM. Đáng nói là gần 60% số tân binh này đều có thị giá giảm mạnh so với giá tham chiếu - giá trị doanh nghiệp được định giá ban đầu.

“Người xông đất” sàn HOSE kém may mắn

Tân binh “xông đất” sàn HOSE vào ngày 12/01/2022 là CTCP Minh Hưng Quảng Trị (GMH) với giá tham chiếu 22,000 đồng/cp. Tuy nhiên thị giá cổ phiếu này trong ngày đầu chào sàn không khoác trên mình áo tím mà chỉ ghi nhận mức tăng yếu ớt 4% so với giá tham chiếu, đóng cửa phiên ở mức 22,903 đồng/cp.

Đáng buồn nữa là cổ phiếu trong suốt năm qua gần như chìm vào trạng thái xoáy mòn giá trị, kết phiên 18/01/2023 chỉ còn 10,000 đồng/cp, tương ứng mất tới gần 55% giá trị.

Bẵng đi đến gần hết năm, sàn HOSE mới đón thêm 1 thành viên mới là CTCP Tập đoàn 911 (NO1) vào ngày 28/11/2022, với giá tham chiếu 10,000 đồng/cp.

Đồng cảnh ngộ với GMH, thị giá cổ phiếu NO1 trong ngày đầu chào sàn cũng chỉ nhích 4% so với giá tham chiếu, đóng cửa phiên ở mức 10,450 đồng/cp. Sau hơn 2 tháng chào sàn, thị giá cổ phiếu này cũng mất 11% giá trị, đóng cửa phiên 13/01/2023 còn 8,950 đồng/cp.

Nỗi buồn bao trùm lên tân binh sàn HNX

Nguồn: VietstockFinance

Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) năm qua cũng chỉ đón được thêm 3 cổ phiếu niêm yết mới. Đầu tiên là cổ phiếu HMR của CTCP Đá Hoàng Mai với phiên giao dịch đầu tiên vào ngày 13/01/2022 và giá tham chiếu là 15,700 đồng/cp.

Dù là gương mặt “xông đất” may mắn trên HNX khi tăng kịch trần trong ngày đầu chào sàn, nhưng “tiệc ngon nào cũng tàn” bởi sau 1 năm thị trường đầy biến động, thị giá HMR “teo tóp” hơn phân nửa, hiện chỉ còn 7,200 đồng/cp. Với hơn 5.6 triệu cổ phiếu đang lưu hành, vốn hóa HMR còn hơn 40 tỷ đồng, mất gần 48 tỷ đồng so với mức định giá ban đầu.

Đến tháng 7/2022, mới có thêm cổ phiếu DVM của CTCP Dược liệu Việt Nam và PCH của CTCP Nhựa Picomat chào sàn HNX.

Sau hơn nửa năm lên sàn, thị giá cổ phiếu DVMPCH cùng chung cảnh “lặn sâu” khi DVM giảm 30%, xuống mức 12,600 đồng/cp còn PCH giảm 55%, xuống mức 5,000 đồng/cp.

Niềm vui riêng với “lính mới” UPCoM

Nguồn: VietstockFinance

Dù thị trường tiêu cực, vẫn có một vài lính mới “rạng rỡ” trên sàn chứng khoán trong năm qua. Cổ phiếu CAR của CTCP Tập đoàn Giáo dục Trí Việt là một trường hợp như thế khi không những tăng kịch trần vào ngày chào sàn mà duy trì đà tăng với thị giá leo lên mức 27,000 đồng/cp sau hơn nửa năm giao dịch, cao gấp 2.4 lần mức tham chiếu ngày chào sàn.

2 tân binh khác trên UPCoM là VVS của CTCP Đầu tư phát triển máy Việt Nam và GCF của CTCP Thực phẩm G.C cũng duy trì được phong độ khi tăng trần trong phiên giao dịch đầu tiên và thị giá cũng lần lượt tăng 47% và 29% so với ngày chào sàn.

Có thể thấy, với nỗi buồn chung của thị trường chứng khoán, các cổ phiếu tân binh chào sàn năm Nhâm Dần cũng bị vạ lây với phần lớn mã có thị giá giảm sốc chỉ trong thời gian ngắn.

Trước tình cảnh này, cổ phiếu mới lên sàn trong năm qua không còn được xem là mảnh đất màu mỡ để nhà đầu tư tìm kiếm lợi nhuận khi bóng đen bi quan bao trùm lên tâm lý nhà đầu tư, kéo tụt thanh khoản của thị trường, khiến nhiều doanh nghiệp dù “có câu chuyện riêng” cũng không thể thoát khỏi vòng xoáy xói mòn giá trị. Trong trường hợp này, nhà đầu tư nên cân nhắc, tùy tình hình sức khỏe thực chất của mỗi doanh nghiệp, có thể nắm giữ dài hạn, chờ đợi cơ hội hồi phục ở phía trước nếu có sự thấu hiểu rõ về thế mạnh của doanh nghiệp.

Khang Di

FILI