Xuất khẩu Trung Quốc giảm gần 10% trong tháng 12 khi nhu cầu toàn cầu suy giảm

Xuất khẩu Trung Quốc giảm gần 10% trong tháng 12 khi nhu cầu toàn cầu suy giảm

Kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc giảm trong tháng 12/2022, khi nhu cầu toàn cầu tiếp tục lao dốc. Điều này sẽ gây thêm áp lực cho một nền kinh tế đang tìm đường chấm dứt chính sách Zero COVID.

Trong tháng 12/2022, kim ngạch xuất khẩu bằng USD giảm 9.9% so với cùng kỳ, Tổng Cục Hải quan Trung Quốc cho biết trong ngày 13/01/2023. Con số này khả quan hơn dự báo giảm 11.1% của các chuyên gia kinh tế, nhưng giảm mạnh hơn so với mức 8.7% của tháng trước. Trong cả năm, kim ngạch xuất khẩu Trung Quốc tăng 7% lên 3.6 ngàn tỷ USD, là mức cao nhất từ trước đến nay.

Kim ngạch nhập khẩu giảm 7.5%, khả năng hơn dự báo gảim 10%. Nhờ đó, Trung Quốc thặng dư thương mại 78 tỷ USD trong tháng 12/2022, dữ liệu cho thấy. Trong cả năm, Trung Quốc thặng dư thương mại 878 tỷ USD, là mức cao kỷ lục.

“Sự suy giảm về nhu cầu toàn cầu cùng với đợt bùng phát COVID-19 có thể là nguyên nhân chính dẫn tới đà giảm của xuất khẩu tháng 12/2022”, Zhang Zhiwei, Chủ tịch kiêm Chuyên gia kinh tế trưởng tại Pinpoint Asset Management, cho hay. “Đà tăng trưởng xuất khẩu yếu ớt cho thấy tầm quan trọng của việc thúc đẩy nhu cầu nội địa như một động lực chính cho tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong năm 2023”.

Tăng trưởng xuất khẩu mạnh trong phần lớn thời gian của năm 2022, qua đó đóng vai trò “đầu kéo” quan trọng cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong bối cảnh thị trường nhà ở và nhu cầu tiêu dùng yếu ớt.

Tuy nhiên, xu hướng bắt đầu đảo ngược trong tháng 10/2022, khi nhu cầu dồn nén vì đại dịch bắt đầu suy yếu và các NHTW trên thế giới nâng lãi suất để kìm hãm lạm phát. Sự gián đoạn vì dịch COVID-19 ở Trung Quốc cũng làm đứt gãy chuỗi cung ứng, qua đó gây áp lực lên xuất khẩu.

Trong ngày 13/01, Tổng Cục Hải quan Trung Quốc cho biết thương mại quốc tế vẫn sẽ áp lực trong năm 2023, trước khi đà hồi phục kinh tế vững chắc hơn. Áp lực giảm với nền kinh tế toàn cầu tiếp tục gia tăng, Lyu Daliang, Phát ngôn viên của Tổng Cục Hải quan, cho biết trong cuộc họp báo.

Xe hơi và khung xe là hai mặt hàng xuất khẩu hàng đầu của Trung Quốc trong năm 2022, với tổng giá trị tăng 74.7% so với cùng kỳ. kế đó là đà tăng 62.8% của xuất khẩu đất hiếm. Xuất khẩu của đồ gia dụng giảm mạnh nhất.

Với nhập khẩu, việc mua quặng sắt của Trung Quốc giảm gần 30% về giá trị trong năm 2022, mức giảm mạnh nhất trong các mặt hàng nhập khẩu chính của Trung Quốc. Giá trị nhập khẩu dầu thô tăng 41.4%, mặc dù số lượng nhập khẩu thực tế giảm 0.9%.

Giá trị nhập khẩu thuốc men giảm 4.3% trong năm 2022, mặc dù số lượng tăng gần 29%.

Các nhà chức trách đã thực hiện một loạt biện pháp để hỗ trợ các nhà xuất khẩu, bao gồm cử các quan chức đến gặp gỡ khách hàng nước ngoài.

Tuy nhiên, xu hướng giảm có thể tiếp tục đến năm 2023. Xuất khẩu ròng có thể sẽ chiếm một phần nhỏ hơn trong tăng trưởng kinh tế trong năm 2023, hoặc thậm chí có thể trở thành lực cản với tăng trưởng kinh tế Trung Quốc.

Sự suy giảm của kim ngạch nhập khẩu là dấu hiệu cho thấy nhu cầu nội địa yếu ớt, khi nền kinh tế này tổn thương trước dịch bệnh. Điều này là do tác động của các biện pháp kiểm soát COVID và sau đó là việc chấm dứt chính sách Zero COVID nhanh chóng đã dẫn tới sự bùng phát của số ca nhiễm.

Giới lãnh đạo Trung Quốc xem việc thúc đẩy nhu cầu nội địa là ưu tiên hàng đầu trong năm nay, mặc dù niềm tin của doanh nghiệp và người tiêu dùng vẫn chưa hồi phục về mức trước dịch.

Vũ Hạo (Theo Bloomberg)

FILI