Nokia đổi logo sau gần 60 năm, chuyển hướng chiến lược kinh doanh

Nokia đổi logo sau gần 60 năm, chuyển hướng chiến lược kinh doanh

Ngày 26/02, Nokia công bố kế hoạch thay đổi nhận diện thương hiệu lần đầu tiên sau gần 60 năm và nhấn mạnh tới mục tiêu tăng trưởng mạnh mẽ trong ngành thiết bị viễn thông.

Logo mới bao gồm 5 hình dạng khác nhau tạo thành từ “NOKIA”. Màu xanh mang tính biểu tượng của logo cũ đã bị loại bỏ để thay bằng nhiều màu tùy theo mục đích sử dụng.

Sau khi đảm nhận vị trí Giám đốc điều hành của một công ty đang chật vật tìm lối đi vào năm 2020, ông Pekka Lundmark đã đề ra chiến lược gồm 3 giai đoạn: Thiết lập lại, tăng tốc và mở rộng quy mô. Khi giai đoạn thiết lập lại đã hoàn tất, Lundmark cho biết giai đoạn thứ 2 đang bắt đầu.

Mặc dù Nokia vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng mảng cung cấp dịch vụ (chủ yếu bán thiết bị cho các công ty viễn thông), nhưng trọng tâm chính của họ hiện nay là bán thiết bị cho các doanh nghiệp khác.

“Năm ngoái, Nokia tăng trưởng đến 21% trong việc phát triển mảng bán thiết bị cho các doanh nghiệp ngoài ngành viễn thông. Hiện mảng này chiếm 8% trong tổng doanh thu, tương đương 2 tỷ Euro (2.11 tỷ USD)”, ông Lundmark cho biết. “Chúng tôi muốn nâng mức tăng trưởng lên 2 con số càng nhanh càng tốt”.

Các công ty công nghệ lớn đã và đang hợp tác với các nhà sản xuất thiết bị viễn thông như Nokia để bán mạng 5G và thiết bị dành cho các nhà máy tự động hóa. Khách hàng của họ chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực sản xuất.

Nokia có kế hoạch xem xét lộ trình tăng trưởng của các mảng kinh doanh khác nhau và xem xét các giải pháp thay thế, bao gồm cả việc thoái vốn.

"Tín hiệu rất rõ ràng. Chúng tôi chỉ muốn tham gia vào các mảng kinh doanh mà chúng tôi có khả năng đi đầu trên toàn cầu”, ông Lundmark nhấn mạnh. Nhắm tới các thiết bị tự động hóa cho nhà máy và trung tâm dữ liệu, Nokia sẽ phải cạnh tranh gay gắt với các công ty công nghệ lớn, chẳng hạn như Microsoft và Amazon.

"Sẽ có nhiều trường hợp khác nhau, đôi khi họ sẽ là đối tác của chúng tôi... đôi khi họ có thể là khách hàng của chúng tôi... Và tôi chắc chắn rằng cũng sẽ có những tình huống họ sẽ là đối thủ cạnh tranh của chúng tôi”, vị Giám đốc điều hành Nokia nhận xét.

Thị trường bán thiết bị viễn thông đang chịu nhiều sức ép khi môi trường vĩ mô bất ổn kéo giảm nhu cầu từ các thị trường có tỷ suất lợi nhuận cao như Bắc Mỹ. Hiện thị trường Ấn Độ đang tăng trưởng mạnh nhưng lại có tỷ suất sinh lợi thấp.

"Ấn Độ là thị trường phát triển nhanh nhất của chúng tôi với tỷ suất lợi nhuận thấp hơn - đây là một sự thay đổi về cấu trúc”, ông Lundmark nói. Đồng thời, ông kỳ vọng thị trường Bắc Mỹ sẽ trở lại mạnh mẽ trong nửa cuối năm nay.

Đây là một bước ngoặt lớn của một gã khổng lồ từng đi đầu thế giới về điện thoại di động. Ở thời kỳ đỉnh cao đầu những năm 2000, trên thế giới 40% số điện thoại là do Nokia sản xuất. Người người dùng Nokia, nhà nhà sắm Nokia. Nhãn hiệu công nghệ này cũng là nhãn hàng Phần Lan đầu tiên vươn lên tầm quốc tế.

Tại quê nhà Phần Lan, thậm chí tầm ảnh hưởng của hãng còn lớn hơn rất nhiều. Theo số liệu từ Viện nghiên cứu kinh tế năm 1998-2007, 25% số tăng trưởng kinh tế của Phần Lan là công sức của Nokia đem lại. Kinh tế đất nước Bắc Âu thời gian này được gọi là "phép màu kinh tế".

Tuy nhiên, mãi ngủ quên trên đỉnh vinh quang, Nokia bỗng đánh mất vị thế trước sự nhảy vọt của thế hệ điện thoại thông minh và sự phát triển không ngờ của các hãng điện thoại khác.

Nokia suy tàn, nhiều hãng công nghệ khác đã tới đây để lấp chỗ trống mà gã khổng lồ một thời để lại. Không còn xưng bá trên thị trường công nghệ viễn thông, tuy nhiên các mảng kinh doanh khác của Nokia như xây dựng hạ tầng viễn thông vẫn giúp hãng này tiếp tục góp mặt trong danh sách các doanh nghiệp thành công của Phần Lan.

Vũ Hạo (Theo Reuters)

FILI