Chỉ số lạm phát giá cả ở các cửa hàng Anh tăng cao kỷ lục trong 18 năm

Chỉ số lạm phát giá cả ở các cửa hàng Anh tăng cao kỷ lục trong 18 năm

Lạm phát giá cả tại các cửa hàng ở Anh đã tăng từ mức 8,8% trong tháng Tư lên 9% trong tháng Năm - đánh dấu mức tăng nhanh nhất kể từ khi Hiệp hội Bán lẻ Anh bắt đầu thống kê dữ liệu này vào năm 2005.

Người dân mua hàng tại một chợ ở London (Anh). (Ảnh: AFP/TTXVN)

Chỉ số lạm phát giá cả tại các cửa hàng ở Anh trong tháng Năm đã tăng lên mức kỷ lục trong ít nhất 18 năm, dù tốc độ tăng giá thực phẩm đã giảm nhẹ.

Cụ thể, lạm phát giá cả tại các cửa hàng đã tăng từ mức 8,8% trong tháng Tư lên 9% trong tháng Năm, đánh dấu mức tăng nhanh nhất kể từ khi Hiệp hội Bán lẻ Anh (BRC) bắt đầu thống kê dữ liệu này vào năm 2005, dù lạm phát giá thực phẩm đã giảm nhẹ từ mức kỷ lục 15,7% trong tháng Tư xuống còn 15,4% trong tháng Năm.

Giám đốc điều hành BRC Helen Dickinson cho rằng tuy lạm phát giá cả tại các cửa hàng tăng so với tháng trước, song lạm phát giá lương thực có xu hướng hạ nhiệt sẽ giúp các hộ gia đình giảm bớt gánh nặng.

Theo bà Dickinson, tốc độ tăng giá lương thực giảm chủ yếu là do chi phí năng lượng và hàng hóa trong toàn chuỗi cung ứng bắt đầu giảm, trong khi lạm phát giá một số mặt hàng chủ lực gồm bơ, sữa, trái cây và cá cũng hạ nhiệt.

Riêng giá chocolate và càphê lại có xu hướng tăng, do chi phí liên quan đến sản xuất và cung ứng các mặt hàng này tăng, theo đó đẩy lạm phát giá các mặt hàng thực phẩm có thể bảo quản ở nhiệt độ phòng tăng từ 12,9% trong tháng Tư lên 13,1% trong tháng Năm. Giá lương thực tăng cao ảnh hưởng nghiêm trọng nhất đến các hộ gia đình nghèo do họ có xu hướng dành phần lớn ngân sách cho các nhu yếu phẩm.

Người đứng đầu bộ phận bán lẻ và kinh doanh tại công ty tổng hợp dữ liệu NielsenIQ Mike Watkins cho hay để giảm thiểu chi phí sinh hoạt ngày càng đắt đỏ, người tiêu dùng đang hướng đến các chương trình khuyến mãi theo mùa và ưu đãi cho khách hàng thân thiết.

Dữ liệu do BRC công bố cho thấy trong tháng Ba, doanh số bán thực phẩm đã giảm 2,7% so với mức trước đại dịch COVID-19, do người tiêu dùng cắt giảm việc mua bán nhằm cân đối chi tiêu trong bối cảnh giá cả leo thang.

BRC cũng cho biết lạm phát giá các mặt hàng phi thực phẩm đã tăng từ mức 5,5% trong tháng Tư lên 5,8% trong tháng Năm, mặc dù các cửa hàng giảm giá mạnh đối với các mặt hàng giày dép, sách và giải trí gia đình.

Lạm phát giá tiêu dùng đã leo thang nhanh chóng kể từ khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra vào tháng 2/2022, dẫn đến giá năng lượng và lương thực trên toàn cầu tăng vọt.

Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh (ONS) đã công bố các số liệu chính thức cho thấy lạm phát của nước này trong tháng Tư vừa qua giảm mạnh xuống còn 8,7% - mức thấp nhất kể từ tháng 3/2022, nhờ giá năng lượng giảm đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái.

Lạm phát giá lương thực trong tháng Tư giảm nhẹ so với mức cao nhất trong 45 năm là 19,2% được ghi nhận vào tháng Ba, xuống 19,1%.

Tuy nhiên, giới chuyên gia đánh giá con số này vẫn còn xa vời so với mục tiêu kiềm chế lạm phát ở mức 2% của Ngân hàng trung ương Anh (BoE), do đó nhiều khả năng ngân hàng này sẽ tiếp tục áp dụng biện pháp tăng lãi suất./.

Vân Hải

Vietnamplus