ĐBQH đề nghị NHNN giao tổng room tín dụng ngay từ đầu năm, tránh tình trạng bị siết lại đột ngột

ĐBQH đề nghị NHNN giao tổng room tín dụng ngay từ đầu năm, tránh tình trạng bị siết lại đột ngột

Theo Đại biểu Tô Ái Vang, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cần có phương thức điều hành linh hoạt, đó là giao tổng room từ đầu năm và điều hành trên cơ sở kế hoạch được lập ra bởi sự thỏa thuận giữa ngân hàng với khách hàng, tránh tình trạng nửa đầu năm tăng tốc, cuối năm hết room hoặc là bị siết lại một cách đột ngột.

Đại biểu Tô Ái Vang - Đoàn ĐBQH tỉnh Sóc Trăng

Góp ý về thảo luận tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023, Đại biểu Tô Ái Vang - Đoàn ĐBQH tỉnh Sóc Trăng quan tâm đến vấn đề vốn vay cho doanh nghiệp và cách điều hành của NHNN.

Theo đại biểu Tô Ái Vang, về vốn vay của doanh nghiệp, từ đầu năm 2023 Ngân hàng Nhà nước đã có ba đợt giảm rồi lãi suất điều hành. Đây được xem là sự nỗ lực rất lớn của Ngân hàng Nhà nước để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, hiện nay doanh nghiệp cũng khó tiếp cận với vốn vay. Vì vậy, đại biểu Tô Ái Vang đề nghị Ngân hàng Nhà nước phải quy định trần room tín dụng. Tuy nhiên, tỷ lệ bắt buộc mà mỗi ngân hàng phải đảm bảo chính là hệ số an toàn trong các lĩnh vực cùng với dự trữ bắt buộc đã giúp Ngân hàng Nhà nước kiểm soát lạm phát, nên chỉ cần Ngân hàng Nhà nước sử dụng nhiều công cụ dự trữ bắt buộc cùng với áp dụng quy định hệ số an toàn kèm theo, đã giúp các ngân hàng tự điều chỉnh mà không lệ thuộc quá nhiều vào trần room tín dụng.

Vì thế, Ngân hàng Nhà nước cần có phương thức điều hành linh hoạt, đó là giao tổng room từ đầu năm và điều hành trên cơ sở kế hoạch được lập ra bởi sự thỏa thuận giữa ngân hàng với khách hàng, tránh tình trạng nửa đầu năm tăng tốc, cuối năm hết room hoặc là bị siết lại một cách đột ngột.

Ngân hàng Nhà nước xem xét có cơ chế cho vay linh hoạt, đa dạng, nhất là các gói cho vay tín chấp dựa trên thời gian hoạt động có hiệu quả và dòng tiền của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cần chỉ đạo các ngân hàng thương mại rà soát lại toàn bộ thủ tục, điều kiện tín dụng, tăng khả năng tiếp cận vốn vay của doanh nghiệp, đẩy nhanh giải ngân gói hỗ trợ lãi suất, triển khai hiệu quả chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ giúp doanh nghiệp giảm bớt khó khăn.

Về vấn đề tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% theo Nghị quyết 43 của Quốc hội khóa XV, đại biểu đồng tình với Tờ trình của Chính phủ cũng như Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách. Đại biểu đề nghị Chính phủ huy động các kênh thông tin, làm tốt công tác truyền thông để người tiêu dùng biết và đón nhận, bởi việc giảm thuế giá trị gia tăng, người tiêu dùng có thể thấy rõ nhất ở siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi.

Đề nghị Quốc hội xem xét mức giảm thuế giá trị gia tăng xuống từ 3 đến 4% vì nếu chỉ giảm 2% chưa phải là mức tốt cho nền kinh tế. Bởi vì trong bối cảnh các nước đang cạnh tranh bằng cách giảm gánh thuế, giảm gánh nặng thuế cho doanh nghiệp để thu hút đầu tư thì chúng ta cũng nên xem xét giảm thuế giá trị gia tăng ở mức cao hơn để khuyến khích tiêu dùng, tăng sức mua. Từ đó doanh nghiệp có thể tiêu thụ hàng hóa nhiều hơn, giải phóng được lượng hàng tồn kho, sớm phục hồi sản xuất kinh doanh, góp phần vực dậy doanh nghiệp, góp phần cho sự ổn định và phát triển tế xã hội các địa phương trong cả nước. Đại biểu cũng kiến nghị Quốc hội xem xét áp dụng giảm thuế giá trị gia tăng kéo dài đến hết năm 2024 giúp cho chính sách này mang tính bền vững, lâu dài.

Cần nhanh chóng giải ngân nhanh các gói hỗ trợ

Đại biểu Trần Thị Vân bày tỏ sự nhất trí với Báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện kinh tế-xã hội ở trong nước thời gian qua và các giải pháp mà Chính phủ đã đề ra trong thời gian tới.

Đại biểu Trần Thị Vân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh

Đại biểu Trần Thị Vân đồng thuận với với giải pháp giảm thuế giá trị gia tăng 2% cho doanh nghiệp, gói hỗ trợ mua nhà ở xã hội cho công nhân lao động. Tuy nhiên, việc giải ngân các gói hỗ trợ còn giải ngân rất thấp nên cần đẩy nhanh tiến độ...

Theo đại biểu Trần Thị Vân, năm 2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định 100 về phát triển và quản lý nhà ở xã hội. Năm 2022, có Nghị quyết 43 của Quốc hội, Nghị quyết 11 của Chính phủ với các cái gói hỗ trợ giảm lãi suất 2% cho doanh nghiệp vay xây nhà cho công nhân, 15.000 tỷ đồng cho công nhân vay mua nhà ở xã hội qua Ngân hàng Chính sách và mới đây nhất là gói 120,000 tỷ đồng.

Như vậy, chỉ trong vòng có hơn 1 năm thì đã có 3 gói hỗ trợ dành cho người thụ hưởng chính là công nhân lao động. Điều này thể hiện sự quan tâm và trách nhiệm của Quốc hội, của Chính phủ đối với công nhân lao động trong cả nước. 

Tuy nhiên, hai gói hỗ trợ theo Nghị quyết 43 và Nghị quyết 11 thì hiện đang giải ngân rất thấp, gói giảm lãi suất 2% hiện mới giải ngân được gần 1% và 15,000 tỷ đồng thì được trên 34%. Bây giờ Chính phủ lại giao tiếp gói 120,000 tỷ đồng, trong đó đối tượng và thời gian kết thúc của 3 gói tín dụng này thì đang trùng lắp nhau và đều kết thúc vào cuối năm 2023. Vấn đề đặt ra đây là 2 gói tín dụng trước chúng ta còn chưa hấp thụ hết thì liệu gói 120,000 tỷ đồng có khả thi hay không? Trong khi Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở thì đang được sửa đổi và quy hoạch thì chúng ta chưa phê duyệt xong.

Trước bất cập trên, đại biểu Trần Thị Vân đề nghị Chính phủ gộp 3 gói hỗ trợ thành 1 và đề xuất cho kéo dài đến hết năm 2025  thì mục tiêu xây dựng 1 triệu căn hộ mà Chính phủ đề ra mới có thể hoàn thành.

Nhật Quang

FILI