Thường vụ Quốc hội không đồng ý giảm thuế VAT với chứng khoán, bất động sản và ngân hàng

Thường vụ Quốc hội không đồng ý giảm thuế VAT với chứng khoán, bất động sản và ngân hàng

Ngày 13/5, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội họp phiên thứ 23 cho ý kiến dự thảo nghị quyết về giảm thuế giá trị gia tăng (VAT). Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị chỉ áp dụng giảm thuế VAT như Nghị quyết 43/2022/QH15, tức không giảm với ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, bảo hiểm.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày Tờ trình

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày về mục tiêu xây dựng Nghị quyết nhằm kích cầu tiêu dùng, phù hợp với bối cảnh kinh tế hiện nay, qua đó thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh sớm phục hồi và phát triển để đóng góp trở lại cho ngân sách nhà nước (NSNN) cũng như nền kinh tế để thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm, Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025.

Do vậy, năm 2023 Chính phủ đề xuất giảm 2% mức thuế suất thuế VAT đối với tất cả các hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng áp dụng thuế suất 10% (còn 8%); giảm 20% mức tỷ lệ % để tính thuế VAT đối với cơ sở kinh doanh (bao gồm cả hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh) khi thực hiện xuất hóa đơn đối với tất cả các hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế VAT 10%. Thực hiện theo phương án này nhằm đảm bảo đúng mục tiêu kích cầu tiêu dùng, phù hợp với bối cảnh kinh tế hiện nay, qua đó thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh sớm phục hồi và phát triển để đóng góp trở lại cho NSNN cũng như nền kinh tế.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, việc giảm thuế VAT dự kiến số giảm thu NSNN khoảng 5.8 ngàn tỷ/tháng, nếu áp dụng trong 06 tháng cuối năm thì tương đương khoảng 35 ngàn tỷ đồng.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Vân Chi trình bày báo cáo thẩm tra

Trình bày Báo cáo thẩm tra về dự thảo Nghị quyết về giảm thuế giá trị gia tăng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách (TCNS) Nguyễn Vân Chi cho biết, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban TCNS nhất trí với sự cần thiết ban hành Nghị quyết về giảm thuế VAT để hỗ trợ cho khu vực sản xuất, kinh doanh và người dân đã gặp rất nhiều khó khăn sau dịch COVID-19 trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng đã bắt đầu thể hiện chiều hướng suy giảm từ Quý 4/2022 và nhất là trong các tháng đầu năm 2023. Việc Chính phủ trình Quốc hội xem xét, ban hành Nghị quyết về giảm thuế VAT là đúng thẩm quyền theo quy định.

Tuy nhiên Ủy ban TCNS không đồng tình việc giảm thuế VAT 2% với tất cả hàng hoá, dịch vụ. Thay vào đó, cơ quan thẩm tra đề nghị chỉ áp dụng như đã thực hiện năm ngoái theo Nghị quyết 43 - tức không giảm 2% thuế VAT với các lĩnh vực chứng khoán, bất động sản, ngân hàng, bảo hiểm.

Bày tỏ đồng tình với chủ trương giảm thuế VAT, song Chủ tịch Quốc hội đề nghị phạm vi áp dụng như Nghị quyết 43/2022/QH15. Chủ tịch Quốc hội làm rõ các nội dung của Nghị quyết 43/2022/QH15 đã đánh giá tính toán kỹ lưỡng, tư duy giảm để kích cầu để tăng thu là đúng đắn. Tuy nhiên, tình hình hiện nay khác với thời điểm ngay sau đại dịch, tình hình thu của năm 2023 là rất khó khăn, doanh nghiệp khó khăn, người dân khó khăn nên điều băn khoăn là liệu khi ban hành chính sách có thực sự kích cầu hay không. Chủ tịch Quốc hội cho rằng lấy phần tăng thêm doanh thu, tăng thêm tổng mức bán lẻ để tăng bù lại thì đánh giá chưa rõ. Do đó, trên cơ sở thực tiễn đã có, Chủ tịch Quốc hội đề nghị áp dụng phạm vi như Nghị quyết 43/2022/QH15.

Chủ tịch Quốc hội lưu ý trong dự thảo Nghị quyết cần quy định Chính phủ có trách nhiệm triển khai kịp thời. 

Đồng tình, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề nghị cân nhắc kỹ giảm thuế VAT về 8% với tất cả hàng hóa, dịch vụ do lo ngại ngân sách sẽ hụt thu.

Giải trình sau đó, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc nói đề xuất giảm thuế VAT về 8% là một trong các giải pháp Chính phủ đưa ra để giải quyết khó khăn hiện nay. Song ông cũng lo lắng việc giảm thuế này làm giảm thu ngân sách, vì số thu quý 1 năm nay chỉ bằng 83% so với cùng kỳ 2022. Theo Bộ trưởng Tài chính "Bối cảnh khó khăn hiện nay tổng cầu giảm, sức khoẻ doanh nghiệp suy yếu nên hoàn thành thu ngân sách cả năm khá khó khăn".

Đại diện Chính phủ cho hay sẽ tiếp thu góp ý của các thành viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, hoàn chỉnh hồ sơ để trình Quốc hội chính sách này.

Kết luận phiên họp, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, lưu ý Chính phủ nghiêm túc rút kinh nghiệm việc trình hồ sơ chậm, ảnh hưởng tới thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đồng ý bổ sung đề xuất giảm thuế VAT vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh 2023, trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ 5, dự kiến khai mạc vào 23/5.

Nhật Quang

FILI