VEA: Mục tiêu lãi sau thuế công ty mẹ đi ngang, kế hoạch niêm yết còn “mịt mờ”

VEA: Mục tiêu lãi sau thuế công ty mẹ đi ngang, kế hoạch niêm yết còn “mịt mờ”

Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam – CTCP (VEAM, UPCoM: VEA) công bố tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên 2023 với mục tiêu lợi nhuận sau thuế công ty mẹ gần như đi ngang với năm cũ, ở mức khoảng 5.7 ngàn tỷ đồng.

VEA dự kiến tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2023 vào ngày 20/06 tại khách sạn InterContinental Ha Noi Westlake, số 05 Từ Hoa, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội.

Năm 2023, VEA đặt mục tiêu doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ khoảng 1,187 tỷ đồng, gấp đôi so với thực hiện năm trước đó (trong đó doanh thu sản xuất công nghiệp 1,105 tỷ đồng; doanh thu thương mại, dịch vụ gần 82 tỷ đồng). Doanh thu tài chính gần 6,580 tỷ đồng, tăng 11%. Lợi nhuận sau thuế 5.694 tỷ đồng, tăng khoảng 1%.

Mục tiêu kế hoạch của VEA (công ty mẹ) năm 2023
Nguồn: VEA

VEA nhận định, năm 2023, cơ bản dịch COVID-19 đã được kiểm soát, Chính phủ ban hành nhiều chính sách hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế.

Xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng giúp tạo tiền đề cho nhiều doanh nghiệp mở rộng khách hàng và sản phẩm. Nhiều Công ty có vốn góp của VEAM đã tận dụng cơ hội này để tìm kiếm thêm các đối tác cũng như sản phẩm mới, đặc biệt các đơn vị hoạt động tronh lĩnh vực công nghiệp phụ trợ đang có rất nhiều cơ hội tăng trưởng về doanh thu và lợi nhuận.

Mặt khác, khó khăn như xung đột vũ trang giữa Nga và Ukraine; lạm phát kéo dài, sự phân mảnh địa chính trị dẫn đến việc lưu chuyển nguồn vốn, di chuyển của người lao động và thanh toán quốc tế giữa các quốc gia gặp nhiều khó khăn, có thể cản trở chuỗi lưu thông toàn cầu.

Hơn nữa, tại VEA, một số vướng mắc vẫn còn tồn tại của giai đoạn trước vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm. Lĩnh vực động cơ và máy nông nghiệp liên tục sụt giảm, kinh doanh ô tô chưa có dấu hiệu khả quan…

Qua đó, VEA đặt kế hoạch kinh doanh 2023 của Công ty mẹ thận trọng.

Đối với các Công ty con, Công ty liên kết (không bao gồm các Công ty liên doanh) chỉ tiêu chung dự kiến với giá trị sản xuất công nghiệp gần 3,528 tỷ đồng; tổng doanh thu bán hàng 4,518 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế gần 242 tỷ đồng.

Các chỉ tiêu nên trên chỉ nhằm đánh giá cũng như định hướng cho hoạt động của VEA một cách toàn diện và không phải là các chỉ tiêu đề nghị thông qua tại ĐHĐCĐ năm 2023.

Kế hoạch niêm yết cổ phiếu trên sàn HOSE

Trước đó, VEA đặt mục tiêu đưa cổ phiếu niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HOSE) từ năm 2018, sau nhiều lần lỗi hẹn nhưng đến nay, một lần nữa VEA chưa công bố phương án niêm yết cổ phiếu cụ thể trong ĐHĐCĐ thường niêm 2023. Với lý do chưa đủ điều kiện niêm yết theo quy định.

Cũng trong năm 2023, ngoài các chỉ tiêu tài chính nêu trên, VEA triển khai hai nhiệm vụ trọng tâm. Thứ nhất, tập trung tiêu thụ xe tồn kho lâu năm tại Nhà máy ô tô VEAM (VM); thứ hai, tìm kiếm đối tác chiến lược và nghiên cứu thị trường để sản xuất các dòng xe tải mới tiêu chuẩn Euro5 và khai thác công nghiệp phụ trợ để tận dụng trang thiết bị nhà xưởng…

Doanh thu thương mại, dịch vụ dự kiến tăng 61% nhưng vẫn còn chiếm tỷ trọng rất thấp trong cơ cấu doanh thu bán hàng.

Bên cạnh việc duy trì kinh doanh thương mại nhằm tiến tới đáp ứng việc cung cấp vật tư cho các đơn vị trong VEA, Công ty mẹ chú trọng đảm bảo an toàn vốn và tiếp tục tập trung tìm giải pháp về pháp lý, thị trường nhằm tháo gỡ khó khăn để đẩy mạnh tiêu thụ lượng xe tồn tại VM cũng như xe Changan và máy kéo ISEKI.

Trên thị trường chứng khoán, giá cổ phiếu của VEA giảm nhẹ từ đầu năm. Kết phiên ngày 30/05 giá cổ phiếu VEA đạt 38,200 đồng/cp giảm 4.5% so với đầu năm.

Thành Nguyễn

FILI