Chủ tịch Quốc hội: Dứt khoát không hợp thức hoá chung cư mini

Chủ tịch Quốc hội: Dứt khoát không hợp thức hoá chung cư mini

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu Uỷ ban Pháp luật rà soát lại dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), dứt khoát không hợp thức hoá chung cư mini.

Ngày 20-9, tại phiên họp thứ 26 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã đề cập đến việc phân cấp, phân quyền cho TP Hà Nội quy định các quy chuẩn, tiêu chuẩn trong các lĩnh vực như môi trường, giao thông, phòng cháy chữa cháy.

Chủ tịch Quốc hội: Dứt khoát không hợp thức hoá chung cư mini - Ảnh 1.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu một số vấn đề về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi)

Chủ tịch Quốc hội cũng đã nêu bất cập về chung cư mini ở Hà Nội. Do đó, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu Uỷ ban Pháp luật rà soát lại dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), dứt khoát không hợp thức hóa chung cư mini trong luật.

"Vụ vừa rồi xảy ra rất đau xót (vụ cháy chung cư mini ở quận Thanh Xuân, Hà Nội - PV). Do đó tại dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), có cho phép Hà Nội được quy định các tiêu chuẩn, quy chuẩn về các lĩnh vực như môi trường, giao thông, phòng cháy hay không?" - Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Tại phiên họp, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cũng nhấn mạnh "chung cư mini đang vô cùng bất cập". Đối với vụ cháy chung cư ở quận Thanh Xuân vừa qua, ông Đinh Tiến Dũng cho biết theo quy hoạch và các quy định hiện hành được xây nhà 6 tầng, trên thực tế xây đến 9 tầng là vi phạm.

Tuy nhiên, Bí thư Thành ủy Hà Nội, điều kiện thực tế về hạ tầng, giao thông tại khu vực xảy ra vụ hỏa hoạn, việc cho phép xây 6 tầng cũng đã bất cập; khu vực này có thể chỉ phù hợp với 2-3 tầng. Từ thực tế đó, ông Đinh Tiến Dũng đề nghị trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), cần trao quyền cho Hà Nội quy định các tiêu chuẩn, quy chuẩn phù hợp với thực tiễn để đảm bảo an ninh, an toàn lâu dài.

Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cũng nêu rõ từ thực tế phát triển thủ đô, nhất là sau sự kiện đau lòng cháy chung cư mini ở quận Thanh Xuân và việc tồn tại hơn 2.000 nhà riêng lẻ khác kiểu chung cư mini, định hướng xây dựng và phát triển thủ đô Hà Nội có phần khó kiểm soát, ngay cả khi Luật Thủ đô được ban hành 2012, tức cách đây hơn 10 năm.

Theo ông Bùi Văn Cường, không chỉ có Luật Thủ đô 2012, trước đó còn Pháp lệnh Thủ đô và nhiều nghị quyết của Quốc hội đã có chính sách đặc thù cho thủ đô Hà Nội. "Đó là hệ lụy tập trung dân cư quá đông trong khu vực nội thành, đi kèm với đó là công tác quản lý chưa nghiêm" - Tổng Thư ký Quốc hội nhấn mạnh.

Như chúng tôi đã đưa tin, khoảng hơn 23 giờ ngày 12-9, chung cư mini số 37 ngách 29/70 phố Khương Hạ (phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội) xảy ra vụ cháy đặc biệt nghiêm trọng làm 56 người tử vong, 37 người bị thương.

Ngày 20-9, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Hà Nội đã có thông báo kết luận giám định nguyên nhân vụ cháy. Cụ thể, theo kết luận giám định của Viện Khoa học hình sự Bộ Công an, điểm xuất phát cháy nằm ở khu vực giáp tường phía Nam, cách tường phía Đông khoảng 2,3 m thuộc tầng 1 bên trong khu chung cư mini.

Nguyên nhân gây cháy được xác định do chập mạch điện trên đường dây dẫn điện tại khu vực bình ắc quy thuộc phần đầu xe môtô sử dụng động cơ xăng (loại xe tay ga) đặt giáp tường phía Nam tầng 1 gây ra hỏa hoạn, theo thông báo từ cơ quan điều tra.

Cũng theo kết luận giám định, lửa sau đó cháy lan vào khu vực cáp điện, các hộp công-tơ điện gắn trên tường ở tầng 1 và cháy lan ra xung quanh dẫn đến vụ hỏa hoạn kinh hoàng làm 56 người chết. Trong 4 bình chữa cháy gửi giám định có 3 bình chưa được sử dụng, 1 bình đã được sử dụng.

Minh Chiến

Người lao động