Các công ty Nhật Bản lo Warren Buffett bán cổ phiếu ra

Các công ty Nhật Bản lo Warren Buffett bán cổ phiếu ra

Warren Buffett góp phần giúp các cổ phiếu Nhật Bản được biết đến nhiều hơn, nhưng cũng có thể gây ra làn sóng bán tháo nếu vị tiên tri xứ Omaha quyết định rời đi.

Huyền thoại đầu tư Warren Buffett

Đây là nỗi lo ngại của các công ty thương mại Nhật Bản mà ông Buffett đã rót vốn cách đây 4 năm.

Vào tháng 8/2020, Berkshire Hathaway dưới sự dẫn dắt của Warren Buffett đã mua cổ phiếu của 5 tập đoàn thương mại Nhật Bản. Động thái này đã giúp các công ty này được biết đến nhiều hơn và thu hút thêm nhiều nhà đầu tư nước ngoài đến với đất nước mặt trời mọc. 4 năm sau đó, 5 công ty thương mại Nhật Bản được huyền thoại đầu tư rót vốn đều chứng kiến cổ phiếu tăng mạnh hơn thị trường chung.

Tuy vậy, sức ảnh hưởng của Warren Buffett cũng là con dao hai lưỡi. Như trong trường hợp của hãng sản xuất chip Taiwan Semiconductor Manufacturing Co. (TSMC), khi Berkshire Hathaway giảm sở hữu tại TSMC, cổ phiếu này đã rớt mạnh vì các nhà đầu tư khác cũng rời đi.

Với suy nghĩ đó, các công ty thương mại Nhật Bản đang thực hiện các động thái để giảm bớt tác động nếu ông Buffett quyết định bán cổ phiếu.

“Chúng tôi không nghĩ Berkshire Hathaway sẽ giữ cổ phiếu mãi mãi”, Yoshinori Takayama, Trưởng bộ phận Quan hệ Nhà đầu tư (IR), cho hay. “Chúng tôi muốn đa dạng hóa cơ cấu cổ đông để ngăn rủi ro bán tháo”.

Làm được điều đó cũng không dễ. Berkshire Hathaway là một trong những cổ đông lớn nhất của 5 công ty thương mại Nhật Bản. Họ nắm giữ 7.5%-8.4% cổ phần ở Itochu Corp., Sumitomo Corp., Mitsubishi Corp., Mitsui & Co., và Marubeni Corp.

Đến nay, Berkshire Hathaway chưa có kế hoạch bán ra. Hồi tháng 4/2023, ông Buffett đã bay đến Nhật Bản để gặp gỡ các lãnh đạo của các công ty thương mại và sau đó quyết định nâng tỷ lệ sở hữu.

Berkshire Hathaway đã huy động vốn ở Nhật Bản bằng cách bán tổng cộng 1.3 ngàn tỷ Yên (8.8 tỷ USD) trái phiếu. Đợt chào bán gần nhất diễn ra vào tháng 11/2023, với tổng giá trị 112 tỷ Yên. Trước đó, ông Buffett cho biết muốn tăng sở hữu cổ phiếu Nhật Bản, nhưng sẽ giới hạn sở hữu ở mỗi công ty ở mức 9.9% trừ khi được HĐQT công ty đó cho phép.

Hơn nữa, ông Buffett cũng nổi tiếng với cách tiếp cận không can thiệp và đặt toàn bộ niềm tin vào ban lãnh đạo công ty mà ông đầu tư.

Hầu hết các công ty thương mại mà Warren Buffett đầu tư đều được thành lập vào cuối thế kỷ 19, khi Nhật Bản chấm dứt quy tắc Samurai và tìm động lực tăng trưởng thông qua công nghiệp hóa và học tập theo phương Tây. Nhìn lại lịch sử, lợi nhuận của các công ty này phần lớn đều đến từ đà tăng của thị trường hàng hóa. Năm 2023, lợi nhuận còn đến từ động thái đa dạng hóa sang mảng thực phẩm và cơ sở hạ tầng.

Một chỉ số theo dõi các công ty thương mại thuộc Topix đã tăng 39% trong năm 2023, vượt trội hơn mức tăng 25% của chỉ số chung. Theo ước tính của Bloomberg, ông Buffett đã đầu tư 1.3 ngàn tỷ Yên vào các công ty thương mại Nhật Bản. Các khoản đầu tư này hiện có tổng trị giá 3.2 ngàn tỷ Yên.

“Việc ông ấy bán ra khi giá cổ phiếu tăng mạnh không phải là không thể”, Hiroshi Namioka, Chiến lược gia tại T&D Asset Management, cho hay. Vị chuyên gia này nói thêm thị trường không kỳ vọng ông Buffett bán ra, nhưng kịch bản này không thể loại bỏ hoàn toàn, nhất là nếu giá trị của khoản đầu tư vượt giá trị nội tại.

Berkshire Hathaway từ chối bình luận về các khoản đầu tư ở Nhật Bản. Ông Buffett nói rằng ông thích đầu tư vào Nhật Bản hơn Đài Loan, vì có ít rủi ro địa chính trị với Trung Quốc. Huyền thoại đầu tư này giảm sở hữu cổ phiếu TSMC cũng vì lý do địa chính trị.

Bên cạnh việc đa dạng hóa cơ cấu cổ đông, các công ty thương mại Nhật Bản cũng nỗ lực xây dựng mảng kinh doanh mới để thúc đẩy lợi nhuận và thu hút thêm nhà đầu tư. Mitsui nhấn mạnh tới các lĩnh vực như y tế và năng lượng mới trong các cuộc trao đổi với cổ đông, Hideaki Konishi, người phụ trách IR tại Mitsui, chia sẻ.

Những người phụ trách IR ở Mitsubishi và Marubeni cũng cho biết công ty đang mở rộng cơ sở cổ đông. Mitsubishi đã thực hiện chia tách cổ phiếu 1 đổi 3 từ ngày 01/01/2024 để giảm thị giá và thu hút thêm nhà đầu tư nhỏ lẻ.

Theo Hideaki Kuribara, Chuyên viên phân tích tại Viện Nghiên cứu Tokai Tokyo, tiềm năng lợi nhuận chính là biện pháp phòng vệ tốt nhất trước kịch bản Berkshire Hathaway thoái vốn.

“Cấu trúc lợi nhuận của các công ty này đang ở trạng thái tốt nhất từ trước đến nay”, Kuribara chia sẻ. “Nếu ông Buffett bán ra, có thể nhiều nhà đầu tư khác sẽ nối gót rời đi. Tuy vậy, các yếu tố cơ bản, như lợi nhuận, quan trọng hơn”.

Vũ Hạo (Theo Bloomberg)

FILI