Saigonres: Lãi ròng quý 2 tăng cao nhờ tiếp tục chuyển nhượng góp vốn

Saigonres: Lãi ròng quý 2 tăng cao nhờ tiếp tục chuyển nhượng góp vốn

CTCP Địa ốc Sài Gòn (Saigonres, HOSE: SGR) vừa công bố BCTC quý 2/2020 (hợp nhất) với kết quả kinh doanh tăng trưởng đáng kể so với cùng kỳ. Tuy nhiên, kết quả này không phải nhờ vào hoạt động cốt lõi của Công ty mà chủ yếu đến từ chuyển nhượng vốn góp.

Cụ thể, doanh thu thuần của SGR trong quý 2 tiếp tục đến từ bán hàng hóa và thành phẩm, đạt hơn 21 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ. Tuy nhiên do giá vốn hàng bán tăng cao mà lợi nhuận gộp của SGR lại sụt giảm 14%, còn gần 12 tỷ đồng. Biên lãi gộp của Công ty theo đó cũng giảm mạnh từ 71% trong quý 2/2019 xuống còn 56% trong quý 2/2020.

Tuy nhiên, nhờ doanh thu hoạt động tài chính của Công ty (chủ yếu là doanh thu chuyển nhượng vốn) tăng cao hơn 265%, đạt 96 tỷ đồng mà lãi ròng của Công ty có sự cải thiện đáng kể, đạt 80 tỷ đồng, gấp gần 3.5 lần cùng kỳ

Kết quả kinh doanh của Saigonres trong quý 2
Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: BCTC hợp nhất quý 2/2020 của SGR

Sau 6 tháng đầu năm 2020, doanh thu thuần và lãi ròng của SGR lần lượt đạt 33 tỷ đồng và 103 tỷ đồng, tương ứng tăng 19% và 144% so với cùng kỳ.

Tại thời điểm cuối quý 2/2020, tổng tài sản của Công ty đạt 1,951 tỷ đồng, giảm 7% so với đầu năm. Trong đó, tài sản ngắn hạn đạt 1,666 tỷ đồng, tăng 9%; tài sản dài hạn đạt 285 tỷ đồng, giảm 50%.

Trong tài sản ngắn hạn của Công ty, các khoản phải thu ngắn hạn và hàng tồn kho tiếp tục chiếm tỷ trọng cao nhất, lần lượt đạt 916 tỷ đồng và 646 tỷ đồng, tương ứng tăng 4% và 10% so với thời điểm đầu 2020. Trong đó, hàng tồn kho của Saigonres tăng chủ yếu do chi phí sản xuất kinh doanh dở dang của 10 dự án chủ yếu tiếp tục tăng.

Dự án Hiệp Bình Chánh - Thủ Đức chiếm tỷ trọng lớn nhất trong HTK của Saigonres
Đvt: Đồng
Nguồn: BCTC hợp nhất quý 2/2020 của SGR

Đối với tài sản dài hạn, việc sụt giảm đến 50% chủ yếu do Công ty giảm đầu tư góp vốn vào đơn vị khác đến 96% còn hơn 11 tỷ đồng. Cụ thể, SGR đã giảm giá trị đầu tư vào CTCP Vicosimex gần 86% xuống còn hơn 8 tỷ đồng vào ngày 30/06 và sẽ còn tiếp tục chuyển nhượng số cổ phần còn lại; đồng thời SGR đã hoàn tất chuyển nhượng toàn bộ phần góp vốn của mình vào Công ty TNHH Đầu tư Sài Gòn Riverside trị giá 238 tỷ đồng. Qua đó có thể thấy, nhiều khả năng việc ghi nhận doanh thu tài chính của Công ty là đến từ việc chuyển nhượng vốn góp vào 2 Công ty trên.  

Chuyển nhượng các khoản đầu tư giúp doanh thu tài chính của Công ty tăng cao
Đvt: Đồng
Nguồn: BCTC hợp nhất quý 2/2020 của SGR

Nợ phải trả của Công ty tại ngày 30/06 đạt 1,157 tỷ đồng, giảm 17% so với thời điểm đầu năm và chiếm 59% tổng tài sản. Trong cơ cấu nợ phải trả của SGR, người mua trả tiền trước ngắn hạn chiếm tỷ trọng lớn nhất, đạt 441 tỷ đồng, tăng 40%; vay và nợ thuê tài chính của Công ty đạt 117 tỷ đồng, giảm 62%.

Sau 6 tháng đầu năm, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của Công ty âm hơn 273 tỷ đồng, cùng kỳ âm 327 tỷ đồng.

Trên thị trường, thanh khoản của cổ phiếu SGR rất thấp, trung bình chỉ đạt gần 1,500 cp/phiên trong 1 năm trở lại đây. Qua đó, giá của cổ phiếu cũng trồi sụt thất thường, sau khi bất ngờ tăng mạnh trong 5 phiên và thiết lập mức đỉnh 52 tuần tại mức giá 20,100 đồng/cp (ngày 27/07), giá cổ phiếu SGR đã nhanh chóng sụt giảm sau đó, hiện đang giao dịch ở mức 17,400 đồng/cp (kết phiên 29/07).  

Diễn biến giá cổ phiếu SGR trong 1 năm trở lại

Như Xuân

FILI