Kinh tế Campuchia đầu năm 2010: Những dấu hiệu phục hồi

Kinh tế Campuchia đầu năm 2010: Những dấu hiệu phục hồi

Tình hình kinh tế Campuchia những tháng đầu năm 2010 có dấu hiệu phục hồi và tăng trưởng tích cực, sau khi đã giảm sút nghiêm trọng trong năm 2009. 

Ngành may mặc của Campuchia trong quá trình hồi phục

Các ngành kinh tế quan trọng của Campuchia bao gồm dệt may, nông nghiệp, xây dựng – bất động sản và du lịch đều có những chuyển biến rất khả quan. Chuyên gia kinh tế của các tổ chức quốc tế như WB, IMF, ANZ Bank…đã đưa ra dự báo về triển vọng tăng trưởng kinh tế (GDP) của Campuchia trong năm 2010 dự kiến đạt 4–5 %. Năm 2009, tăng trưởng kinh tế của Campuchia chỉ đạt 2.6%.

Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế chỉ ra rằng: vấn đề quan trọng để đảm bảo phục hồi và phát triển mạnh trong thời gian tới, Campuchia cần phải tiếp tục đa dạng hóa sản phẩm xuất khẩu, đẩy mạnh và mở rộng thị trường xuất khẩu, giảm bớt sự phụ thuộc vào các thị trường Bắc Mỹ. Campuchia cũng cần phải chú ý đến việc phát triển thị trường nội địa và mở rộng giao lưu kinh tế với các nước trong khu vực, nhất là trong điều kiện khi mà lộ trình AFTA của khu vực mậu dịch tự do ASEAN và ASEAN - Trung Quốc ngày càng năng động, thông thoáng và có hiệu lực.

Sự hồi phục, tăng trưởng kinh tế của Campuchia một phần được thể hiện thông qua sự tăng trưởng khối lượng hàng hóa xuất, nhập khẩu qua cảng biển Sihanouk Ville và cảng sông Phnom Penh.

Tại cảng biển Sihanouk Ville, trong 2 tháng đầu năm 2010 số lượng hàng hóa bốc dỡ đạt 325,368 tấn, tăng 13.35% so cùng kỳ năm 2009 (2 tháng đầu năm 2009 đạt 287,059 tấn ). Trong đó, sản lượng hàng hóa nhập khẩu tăng 15,5% và hàng hóa xuất khẩu tăng 3,72% so với cùng kỳ năm 2009. Doanh thu của hải cảng lớn nhất Campuchia này trong 2 tháng qua đạt 3.67 triệu USD, tăng 1.96% so với mức 3.59 triệu USD cùng kỳ năm ngoái.

Ông Ma Sun Hout, Phó Tổng Giám đốc công ty quản lý, vận hành cảng Sihanouk cho biết, sự tăng cường các hoạt động bốc dỡ tại cảng là do sản lượng hàng hoá xuất khẩu tăng. Đồng thời lượng hàng nhập khẩu như than đá, ô tô, nguyên phụ liệu ngành may mặc, xi măng cũng gia tăng. Hiện khoảng 70% sản lượng hàng hóa, chủ yếu là hàng may mặc, xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ qua cảng Sihanouk Ville, và Mỹ cũng là một thị trường mà Campuchia xuất khẩu sản phẩm may mặc nhiều nhất.

Trong khi đó tại cảng sông Phnom Penh, lượng hàng hóa bốc dỡ và vận chuyển qua cảng này cũng tăng trưởng rất mạnh. Trong tháng 01/2010, cảng này đã xếp dỡ 34,051 tấn hàng hóa, tăng 73% so cùng kỳ năm 2009 (tháng 1/2009 bốc dỡ được 19,699 tấn). Hàng hoá xuất khẩu qua cảng này là chủ yếu là sản phẩm nông nghiệp và dệt may v.v...Hàng hoá nhập khẩu là vật liệu xây dựng và nguyên phụ liệu may mặc v.v...Dự kiến năm 2010 cảng Phnom Penh sẽ đạt sản lượng xếp dỡ 585,000 tấn hàng hóa, tăng khoảng 44% so với năm 2009, doanh thu dự kiến đạt 6.25 triệu USD .

Bên cạnh đó, việc cảng nước sâu Cái Mép (Bà Rịa – Vũng Tàu) của Việt Nam khánh thành giữa năm 2009 cũng góp phần tăng sản lượng hàng hóa xuất, nhập khẩu qua cảng sông Phnom Penh do rút ngắn được thời gian vận chuyển hàng từ Campuchia đến Mỹ..

Ngành xây dựng – bất động sản Campuchia cũng đang hồi phục mạnh mẽ. Công ty Hi-Sun Group của Hàn Quốc thông báo kế hoạch bắt đầu triển khai dự án trung tâm thương mại và đô thị lớn tại thủ đô Phnom Penh vào cuối năm nay. Dự án này có tổng vốn đầu tư lên tới 300 triệu USD.

Trước nhu cầu tiếp tục thu hút, tạo tiền đề về cơ sở hạ tầng du lịch, kinh doanh, Hãng hàng không quốc gia Campuchia (Cambodia Angkor Air) đang tích cực mở rộng quy mô đầu tư bằng việc mua một số máy bay mới, nhằm đảm bảo khai thác có hiệu quả các đường bay trong nước, và tính toán khai thác các đường bay dài hơn đến các nước trong khu vực như: Trung Quốc và Hàn Quốc vào cuối năm 2010./.

Thị trường nước ngoài, Thương vụ Việt Nam tại Campuchia