Vinashin: “Lộng hành” trong việc sử dụng đồng vốn

Vinashin: “Lộng hành” trong việc sử dụng đồng vốn

Theo thông báo kỳ họp thứ 32 của Ủy ban kiểm tra TW, Đồng chí Phạm Thanh Bình đã thiếu trách nhiệm trong việc huy động, quản lý, sử dụng tiền vốn nhà nước tại Tập đoàn công nghiệp Tàu thủy Việt Nam gây hậu quả nghiêm trọng khiến VINASHIN bên bờ vực phá sản.

Nguồn vốn 750 triệu USD huy động từ trái phiếu quốc tế đã bị Vinashin đầu tư rất dàn trải và phần lớn chưa phát huy hiệu quả. Trong lúc nợ nần chồng chất, Tập đoàn và một số Cty thành viên lại vung tay tiêu tiền một cách đáng kinh ngạc.

Bộ Tài chính cho biết, đến hết năm 2008, Vinashin đã giải ngân xong 750 triệu USD và bắt đầu thu hồi và cho vay quay vòng số vốn thu hồi.

Tuy nhiên, Bộ Tài chính nhận định, Vinashin đã đầu tư quá dàn trải. Cụ thể, tổng số dự án sử dụng nguồn vốn này lên tới 219 nên số lượng dự án dở dang nhiều. Tính đến 31/12/2008, số lượng dự án sử dụng nguồn vốn trái phiếu quốc tế đã hoàn thành và đưa vào sử dụng đồng bộ là 56 dự án, số còn lại là 163 dự án. Như vậy, có đến 75% số dự án chưa phát huy tác dụng.

Theo báo cáo tài chính của Tập đoàn Vinashin đến hết tháng 12-2007 tổng số tiền đầu tư tài chính dài hạn của Tập đoàn lên đến 4.103 tỷ đồng. Trong đó góp vốn liên doanh, liên kết 615 tỷ đồng; mua cổ phần, cổ phiếu 3.488 tỷ đồng.

Các khoản đầu tư tài chính dài hạn được thực hiện với nhiều lý do khác nhau. Cụ thể Cty mẹ đầu tư mua cổ phần, cổ phiếu 1.831 tỷ đồng. Lấy lý do là đầu tư chiến lược vì ngành tàu biển là ngành có nhiều rủi ro nên Cty mẹ đã mua cổ phần của Bảo Việt 1.462 tỷ đồng. Khoác lý do phục vụ nhiệm vụ chính trị, Cty mẹ mua cổ phần của Cty cổ phần cho thuê máy bay 70 tỷ đồng.

Trong mớ lùm xùm nợ nần của Tập đoàn và các Cty con thành viên, vấn đề nổi lên rõ nhất là sự yếu kém đến lạ lùng trong lĩnh vực quản lý nợ và hạch toán các khoản tài sản lớn của Nhà nước…

Hơn thế, Công ty mẹ còn đầu tư 120 tỷ đồng vào Quỹ đầu tư phát triển Việt Nam; vào Cty cổ phần sắt Thạch Khê 120 tỷ đồng; vào Cty cổ phần Chế tạo giàn khoan dầu khí 80 tỷ đồng; và Ngân hàng TMCP Nhà Hà Nội 91 tỷ đồng.

Không kém cạnh Cty mẹ, nhiều Cty con cũng mạnh tay trong đầu tư cổ phần cổ phiếu. Cụ thể, Tổng Cty CNTT Bạch Đằng dù nợ nần chồng chất nhưng cũng liều vay vốn ngắn hạn của Cty Tài chính Vinashin để mua cổ phần của các đơn vị trong Tập đoàn số tiền trên 58 tỷ đồng.

Đặc biệt, Cty TNHH một thành viên Vận tải Viễn Dương dù nợ đìa trong việc mua sắm hàng loạt tàu biển trong đó nhiều tàu cũ, tàu hỏng cũng gồng mình vay ngắn hạn đến 1,2 tỷ đồng để mua cổ phần của Cty cổ phần sơn tàu biển Vinashin.

Cũng phải kể đến Công ty đóng tàu Phà Rừng góp vốn cổ phần và mua cổ phiếu số tiền 61 tỷ đồng. Trong đó Cty này đã sử dụng vốn vay ngắn hạn để góp vốn cổ phần và đầu tư tài chính số tiền 24 tỷ đồng.

Cty cũng góp 2 triệu đô la (40% vốn pháp định) thành lập Cty liên doanh Baican nhưng Liên doanh này đã bị thua lỗ. Tính đến cuối năm 2007 số lỗ luỹ kế lên đến trên 5,1 triệu đô la tương đương trên 81 tỷ đồng.

Về tình hình trả nợ nước ngoài, cho đến nay, Vinashin vẫn thực hiện được việc thanh toán lãi trái phiếu, riêng kỳ hạn 15/01/2009, Vinashin gặp khó khăn về việc mua ngoại tệ để thanh toán nên Bộ Tài chính đã phải hỗ trợ để không chậm thanh toán.

Tuy nhiên, việc thu hồi nợ của các đơn vị thành viên đã được cho vay lại từ nguồn vốn trái phiếu thì 100% các đơn vị sử dụng vốn trái phiếu quốc tế đã không trả được khoản lãi tính đến 31/12/2008 là 57,20 triệu USD, tương đương với hai kỳ trả nợ lãi của trái phiếu quốc tế.

Theo Bộ Tài chính, nguyên nhân tình trạng này chủ yếu là các dự án dở dang quá nhiều, không đưa vào khai thác kịp nên không đảm bảo tiến độ hợp đồng đã ký dẫn đến nhiều hợp đồng bị huỷ và hoãn.

Cụ thể, Vinashin có tổng số tàu đã ký hợp đồng chính thức (firm order) đến 31/03/2009 là 173 chiếc, với trị giá hợp đồng  trên 4 tỷ USD nhưng đã có tới 14 tầu bị huỷ với trị giá hợp đồng bị huỷ là 392,29 triệu USD (chiếm 9,67%, trị giá hợp đồng đã ký kết) và 32 tầu tạm hoãn với trị giá 696,97 triệu USD (chiếm 17,18% trị giá hợp đồng đã ký kết).

Ngày 5/7, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã có thông báo về nội dung kỳ họp thứ 32 của Ủy ban như sau:

“….Kiểm tra dấu hiệu vi phạm đối với đồng chí Phạm Thanh Bình, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (VINASHIN) trong việc huy động, quản lý, sử dụng tiền vốn Nhà nước tại Tập đoàn công nghiệp Tàu thủy Việt Nam. Kết quả kiểm tra cho thấy, đồng chí Phạm Thanh Bình đã thiếu trách nhiệm trong việc huy động, quản lý, sử dụng tiền vốn nhà nước tại Tập đoàn công nghiệp Tàu thủy Việt Nam gây hậu quả nghiêm trọng khiến VINASHIN bên bờ vực phá sản. Trong những năm qua Tập đoàn đã báo cáo không trung thực với Chính phủ tình hình tài chính của doanh nghiệp; thành lập quá nhiều công ty con (gần 200) không đủ năng lực sản xuất kinh doanh; đầu tư dàn trải ra nhiều lĩnh vực ngoài ngành công nghiệp tàu thủy; đầu tư mua nhiều tàu biển cũ, gây thiệt hại lớn cho ngân sách Nhà nước; vi phạm nghiêm trọng quy định của Nhà nước về lập, phê duyệt, đấu thầu các dự án; các khoản nợ rất lớn, mất khả năng thanh toán.

Những sai phạm của đồng chí Phạm Thanh Bình trong huy động, quản lý, sử dụng tiền vốn của Nhà nước là do thiếu tinh thần trách nhiệm, cố ý làm trái và có biểu hiện vụ lợi cá nhân, gây hậu quả nghiêm trọng về kinh tế, chính trị, xã hội; các khoản nợ rất lớn, mất khả năng thanh toán, đến nay, nợ quá hạn và đến hạn không có khả năng thanh toán lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng, hơn 5.000 lao động không có việc làm; các khoản nợ lương và bảo hiểm xã hội lên đến 234 tỷ đồng.

Vi phạm của đồng chí Phạm Thanh Bình đến mức phải áp dụng hình thức kỷ luật. Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng quyết định thực hiện quy trình kiểm điểm, xử lý kỷ luật đối với đồng chí Bình….”

Theo TTXVN

Vietnamnet