Bài học đắt giá từ trường hợp Vedan

Bài học đắt giá từ trường hợp Vedan

Những tình tiết mới trong việc xử lý hậu quả gây ô nhiễm môi trường của Vedan với nông dân các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và TP.HCM là bài học đắt giá không chỉ đối với Vedan, mà với tất cả doanh nghiệp.

Vedan đã bất ngờ nâng mức hỗ trợ (theo cách gọi của Công ty) lên 130 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với mức bồi thường do chính họ đề nghị trước đó. Với nông dân tỉnh Đồng Nai, ban đầu là 7 tỷ đồng, sau đó lên 15 tỷ đồng, 30 tỷ đồng và hiện nay là 60 tỷ đồng. Với nông dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, con số tương ứng là

6 tỷ đồng, 10 tỷ đồng và 40 tỷ đồng. Còn với nông dân ở TP.HCM, mức bồi thường mà Vedan “ngã giá” là 7 tỷ đồng, 12, 16 và hiện nay là 30 tỷ đồng. Trong khi đó, mức thiệt hại ở ba địa phương này được xác định tương ứng là 119, 53 và 45 tỷ đồng.

Chưa bàn tới việc 130 tỷ đồng là nhiều hay ít so với thiệt hại đã gây ra, nhưng có thể thông báo giá phải trả về vật chất mà Vedan phải gánh chịu do lẩn tránh trách nhiệm bảo vệ môi trường. Cái giá thứ hai phải trả là uy tín thương hiệu - yếu tố quyết định sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.

Lâu nay, giới chuyên gia hay nhắc tới “quyền lực mềm” của người tiêu dùng và trong câu chuyện Vedan, điều này thể hiện rất rõ. Nếu Vedan không nghiêm túc xử lý hậu quả vụ việc thì việc tẩy chay sản phẩm của Vedan là biện pháp mà nhiều người tiêu dùng Việt Nam lựa chọn để thể hiện quan điểm của mình. Điều tất yếu là doanh thu của Vedan tại Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng do “vết đen” thương hiệu. Nghiêm trọng hơn, trong một thế giới toàn cầu hóa, “vết đen” đó có thể ảnh hưởng tới Vedan không chỉ ở thị trường Việt Nam, mà còn ở nhiều thị trường khác trên thế giới. Đó là một thiệt hại không dễ gì bù đắp của doanh nghiệp.

Rất có thể, sau “vụ” Vedan và gần đây là vụ Tungkuang, những doanh nghiệp không coi trọng việc bảo vệ môi trường sẽ rút ra bài học cho riêng mình. Ở đây cũng phải nhắc lại rằng, việc dư luận lên án các hành vi vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường không phải là để “đẩy” các doanh nghiệp này ra khỏi Việt Nam, mà thực chất là lời cảnh báo đối với chính bản thân doanh nghiệp, bởi doanh nghiệp không thể kinh doanh thành công khi không tuân thủ quy định của pháp luật. Không thể xây dựng thương hiệu một cách vững bền khi doanh nghiệp chỉ vì lợi nhuận trước mắt mà bất chấp lợi ích cộng đồng, lợi ích xã hội.

Nói vậy để thấy rằng, doanh nghiệp phải đề cao hơn nữa trách nhiệm trước cộng đồng, trước xã hội và phải ý thức được đâu là lợi ích lâu dài của chính họ một khi muốn phát triển bền vững.

Hà Nguyễn

Đầu tư