Các dự án của Vinashin sẽ có lãi sau 1 - 2 năm

Phó TGĐ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam Nguyễn Tiến Dũng:

Các dự án của Vinashin sẽ có lãi sau 1 - 2 năm

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã hoàn tất việc tiếp nhận và bố trí hoạt động của các dự án tiếp nhận từ Tập đoàn CN Tàu thuỷ VN (Vinashin), đảm bảo duy trì sản xuất, khôi phục việc làm và đời sống người lao động.

Xung quanh câu chuyện tiếp nhận khối tài sản dang dở của Vinashin, ông Nguyễn Tiến Dũng - Phó TGĐ PVN đã có cuộc trao đổi thẳng thắn với phóng viên Báo Lao Động.

Xin ông cho biết, đến nay, việc sắp xếp tiếp nhận các đơn vị được điều chuyển từ Vinashin sang PVN theo quyết định tiếp nhận nguyên trạng của Thủ tướng Chính phủ đã được tiến hành đến đâu?

- Đến nay, về cơ bản chúng tôi đã hoàn tất việc tiếp nhận các đơn vị chuyển giao từ Vinashin. Cụ thể, HĐQT PVN đã có quyết định giao cho một số đơn vị thành viên của PVN trực tiếp tiếp nhận và xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh phù hợp với chức năng hoạt động của các đơn vị tiếp nhận.

Hiện tại, KCN tàu thuỷ Soài Xạp (Tiền Giang) được giao cho TCty cổ phần Xây lắp dầu khí PVC để triển khai một số dự án trong KCN như nhà máy sản xuất ống thép, tổng kho xăng dầu; TCty Dịch vụ kỹ thuật dầu khí PTSC tiếp nhận khu cảng Nghi Sơn (Thanh Hoá) và Nhà máy đóng tàu đặc chủng Nhơn Trạch (Đồng Nai); Khu công nghiệp tàu thuỷ Lai Vu- Hải Dương được giao cho Ngân hàng TMCP Đại dương (Ocean Bank) để đối trừ nợ (trước đó Ocean Bank cho Vinashin vay khoảng 500 tỉ đồng để đầu tư KCN này); đối với KCN tàu thuỷ Dung Quất, PVN quyết định tái cơ cấu Cty TNHH CN tàu thuỷ Dung Quất, chuyển giao nguyên trạng sang một số đơn vị như TCty Vận tải dầu khí (PV Trans), TCty CP Dịch vụ tổng hợp dầu khí (Petrosetco), TCTy CP Xây lắp dầu khí PVC...

Đơn vị này sẽ tiếp tục dự án đóng mới 2 tàu chở dầu thô cho PVN mà trước đó PVN đặt hàng Vinashin, nhưng Vinashin đã không bàn giao đúng tiến độ. Tóm lại, việc nhận chuyển giao các dự án đầu tư từ Vinashin sang PVN đều nằm trong các lĩnh vực PVN có chức năng hoạt động, phù hợp với chiến lược đầu tư của PVN; thực chất, các dự án được giao cho các đơn vị thành viên PVN để đối trừ nợ, làm lành mạnh tài chính và chắc chắn có hiệu quả trong một vài năm tới.

Nói như vậy là PVN hoàn toàn chủ động nhận về các dự án này và biết chắc là dự án sẽ hiệu quả?

-    Đúng vậy. Từ ngày 17.3.2010, nhận thấy tình hình Vinashin thua lỗ, mất khả năng thanh toán, trong khi đang có khoản nợ hơn 2.000 tỉ đồng đối với một đơn vị thành viên của PVN, phía PVN đã có cuộc làm việc với lãnh đạo cao nhất của Vinashin, đề nghị được mua lại một số dự án Vinashin đang đầu tư. Thực ra, những dự án trong danh mục chuyển giao cho PVN thì chúng tôi đều “nhắm” trước đó, vì các dự án này đều tốt, chứ không phải Chính phủ ép PVN phải nhận những dự án thua lỗ. Cả 6 dự án tiếp nhận đều nằm trong số các dự án chúng tôi đã đề nghị và không được Vinashin đồng ý chuyển giao.

Sau khi tiếp nhận các dự án, PVN sẽ làm gì để đảm bảo kinh doanh hiệu quả, thưa ông?

- Trên tinh thần tiếp nhận nguyên trạng, song chúng tôi đã thuê Cty kiểm toán độc lập Deloitte Việt Nam thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính các Cty và chi phí thực hiện đầu tư của các dự án chuyển giao. Chỉ trên cơ sở kết quả kiểm toán xác định chính thức là con số đúng, chúng tôi mới lấy làm căn cứ để đối chiếu, tính toán công nợ. Tuy nhiên, theo báo cáo ban đầu của Vinashin, khối lượng đầu tư mà Vinashin chuyển giao cho PVN khoảng 11.000-12.000 tỉ đồng (bằng 1/2 tổng khối lượng Chính phủ yêu cầu Vinashin chuyển giao cho 2 tập đoàn PVN và Vinalines).

Các dự án sau khi thuộc quyền điều hành của các đơn vị thành viên PVN, thì các Cty sẽ có nghĩa vụ tổ chức lại hoạt động sản xuất, kinh doanh. Một số sẽ phải bỏ vốn đầu tư để thành lập các Cty cổ phần mới, sẽ phải xin ý kiến cổ đông, hoặc được uỷ quyền của đại hội cổ đông cho HĐQT các đơn vị quyết định. Nhưng theo chúng tôi đánh giá, do phần lớn các dự án đang đầu tư dở dang, PVN sẽ bỏ vốn đầu tư tiếp là sẽ thắng, có thể lãi trong vòng 1-2 năm tới, đồng thời sẽ thu hồi ngay được vốn. Hiệu quả tổng thể thì dầu khí nhận các dự án là có lợi.

Hiện Vinashin còn nợ TCty Tài chính CP Dầu khí (PVFC) thuộc PVN một khoản tín dụng (kể cả nợ quá hạn lên tới trên 2.000 tỉ đồng. Ông Nguyễn Thiện Bảo- GĐ PVFC cho biết: Tính đến ngày 30.6.2010, tổng số dư nợ và lãi vay của Vinashin tại PVFC là 2.067 tỉ đồng được đưa vào diện nợ quá hạn, chủ yếu là cho vay qua Cty tài chính công nghiệp tàu thuỷ. Con số nợ này sẽ được đối chiếu để khấu trừ nợ giữa PVFC với các đơn vị thành viên của Vinashin được PVN tiếp nhận. Hiện PVFC đang chờ hướng dẫn của Bộ Tài chính về khoản nợ khó đòi này để thực hiện theo đúng thủ tục pháp lý.

Q.T

Hồng Quân thực hiện

LAO ĐỘNG