Để không còn như Vinashin

Để không còn như Vinashin

Vinashin gây nợ. Nợ là của các công ty con. Vậy muốn không còn như Vinashin thì phải kiểm soát được việc sử dụng tiền của các công ty con. Như thế phải có một phương pháp kiểm soát.

Về phương pháp, khi một chủ doanh nghiệp bỏ tiền của mình ra để kinh doanh thì họ biết cách kiểm soát việc tiêu tiền của họ. Đó là cách kiểm soát “tự bên trong”. Trái lại, trong doanh nghiệp nhà nước, việc tiêu tiền của giám đốc là do Bộ Tài chính đưa ra, đó là cách “áp từ bên ngoài”. Dùng hình ảnh một cô gái đi chợ bằng tiền của mình sẽ tính toán khác với đi chợ bằng tiền của người khác.

Phương pháp “tự bên trong” đã có tại các nước hơn một nửa thế kỷ rồi. Nó nằm trong cách quản trị công ty gọi là quản trị khoa học. Cách kiểm soát này được gọi là lập ngân sách và kiểm soát bằng ngân sách. Về vai trò, bản ngân sách này cũng giống như bản kế hoạch của doanh nghiệp nhà nước gồm: ngân sách điều hành (dành cho hoạt động bình thường như ngân sách về lời lỗ, bán hàng, chi phí bán hàng, chi phí chung, dự báo nhân sự...) và ngân sách đầu tư (dành cho việc mở rộng cơ sở, dự án mới...).

Để lập bản ngân sách thường có hai giai đoạn, kéo dài khoảng ba tháng trước đầu năm áp dụng. Trong giai đoạn 1, lãnh đạo công ty (công ty mẹ, hội đồng quản trị...) đề ra kế hoạch doanh lợi với số chi và thu mong đợi cùng các tiêu chuẩn tối thiểu phải áp dụng rồi giao cho công ty. Dựa trên kế hoạch đó, trong giai đoạn 2 các đơn vị soạn ra các khoản chi thu cho phần ngân sách của mình.

Cuối cùng, bản đó được ban lãnh đạo phê duyệt và trở thành bản hướng dẫn hoạt động của công ty. Bản ngân sách chỉ sử dụng hai loại đơn vị là tiền, tỉ lệ phần trăm. Bản ngân sách đã biến đổi mọi hoạt động của công ty thành tiền bạc. Là tiền bạc, người ta có thể phân loại chúng và xếp thành “chi - thu” của mỗi phòng ban, rồi từ đó ra số dự trù, số thực chi, thực thu. Do vậy, bản ngân sách đã được chấp thuận trở thành một cái thước chuẩn để đo hoạt động của công ty.

Hoạt động của công ty trong suốt năm đều có dính dáng đến tiền bạc, chi hoặc thu, tất cả đều qua phòng kế toán. Ba tháng một lần, kế toán báo cáo chung lên giám đốc. Vì chỉ có “số tiền” được dùng nên khi giám đốc so các con số trong báo cáo kế toán với bản ngân sách thì biết ngay mọi hoạt động của công ty.

Bản ngân sách giúp giám đốc kiểm soát hai thứ: tiền của doanh nghiệp có được sử dụng đúng mục đích không và so với kế hoạch cả năm thì trong một quý nhất định mức thực hiện kế hoạch của một đơn vị là bao nhiêu, tính bằng tiền hoặc theo tỉ lệ. Qua báo cáo kế toán, giám đốc kiểm soát được tính hữu hiệu của tất cả hoạt động của công ty.

Đối với các dự án đầu tư mới (mua xe) hay mở rộng (xây nhà) đã được phê duyệt nằm trong ngân sách vốn thì trước khi ra lệnh chi, giám đốc phải tính toán về thời gian hoàn vốn, giá trị hiện thời, tỉ suất lợi nhuận đầu tư, lợi suất nội hàm... để biết dự án sẽ lời hay lỗ, vì tiền bỏ ra theo ngân sách này chỉ được lấy về theo mức khấu hao và phải mất vài năm. Giám đốc không thể cứ quyết định mua bừa như công ty con của Vinashin mua chiếc tàu Hoa Sen.

Làm như thế thì làm sao giám đốc công ty có thể để cho lỗ lã xảy ra. Việc ghi sổ sách kế toán phải theo chuẩn mực kế toán, và cuối năm kiểm toán viên bên ngoài vào kiểm soát xác nhận thì kế toán trưởng khó lòng a tòng với giám đốc hay giám đốc có thể bảo sao ghi vậy! Muốn không còn xảy ra như Vinashin thì phải làm như thế.

Nguyễn Ngọc Bích

TUỔI TRẺ