Để không rơi vào cảnh như Vinashin

Để không rơi vào cảnh như Vinashin

Nhiều ý kiến đã tỏ ra tiếc rẻ giá như Vinashin không vay tiền dễ như thế, không đầu tư dễ như thế, giá như Vinashin được “hưởng” một chế độ giám sát chặt chẽ từ đầu, giá như ý kiến công luận được tiếp thu sớm... có lẽ đổ vỡ đã không quá lớn lao.

Đặt vấn đề như vậy để thấy rằng câu chuyện không chỉ do Vinashin và không chỉ riêng của Vinashin.

Với số nợ 86.000 tỉ đồng, nếu chia bình quân, tính ra mỗi người VN phải gánh nợ cho Vinashin đến hơn 1 triệu đồng. Số nợ lớn như thế là kết quả của đầu tư dàn trải, mang tính chụp giật. Vậy mà phải sau mấy năm chúng ta mới thật sự biết để đưa ra xử lý, để tiến hành “tái cấu trúc” thì rõ ràng cơ chế vận hành đang có sơ hở lớn. Nhiệm vụ cấp bách là phải tìm cho ra các giải pháp để khắc phục nhanh và chắc chắn điều này. Đến nay, điều đầu tiên được khẳng định là phải tập trung hoàn thiện cơ chế giám sát các doanh nghiệp nhà nước.

Các tập đoàn, tổng công ty nhà nước - những “quả đấm” của nền kinh tế VN - đã đóng góp không nhỏ vào tăng trưởng nhưng nhìn kỹ, khả năng phát triển theo chiều rộng của các doanh nghiệp này cũng đã đến giới hạn trong điều kiện thị trường hiện nay.

Cần thúc đẩy tái cơ cấu tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước, lấy mục tiêu hiệu quả làm đầu và đánh giá theo đúng chuẩn thị trường. Một môi trường cạnh tranh bình đẳng, vị thế bình đẳng với các doanh nghiệp tư nhân sẽ giúp các doanh nghiệp nhà nước thấy rõ năng lực của mình cũng như những vấn đề cần cải cách và phải cải cách kịp thời để phát triển.

Đặc biệt với các khoản nợ, nhu cầu trong giai đoạn đầu phát triển là cần thiết. Tuy nhiên, Nhà nước cần hạn chế dần việc bảo lãnh cho các tập đoàn vay vốn trong và ngoài nước, xóa bỏ đặc quyền trong phân bổ nguồn lực, để các tập đoàn đứng được trên chân của chính mình, đi vay bằng chính nguồn lực và uy tín của mình. Khi không còn sự dễ dãi, tự nhiên họ sẽ phải cân nhắc, tính toán kỹ hơn đến việc sử dụng đồng vốn.

VN đang theo mô hình nhà nước thúc đẩy sự phát triển, hướng tới một nền kinh tế xanh, một quốc gia công nghiệp mới, tức sự phát triển phải dựa trên công nghệ. Vì vậy, cách phân bổ nguồn lực nên căn cứ vào các mục tiêu trên, không nên theo thành phần kinh tế. Điều này chúng ta đã làm, trong nhiều chính sách như hỗ trợ vốn kích cầu, chúng ta đã tập trung chủ yếu cho doanh nghiệp nhỏ và vừa mà phần lớn là doanh nghiệp tư.

Nhưng cần một sự nhất quán chung trong phân bổ nguồn lực, ưu tiên công nghệ thì doanh nghiệp nào đầu tư vào công nghệ cao đều được ưu tiên, không hỗ trợ theo thành phần. Đặc biệt, cần chấm dứt chính sách hỗ trợ không rõ thời hạn và điều kiện.

Các nước khi hỗ trợ một ngành phát triển thường hỗ trợ 2-3 doanh nghiệp, đưa ra thời hạn và điều kiện ngặt nghèo để doanh nghiệp buộc phải vươn lên. Nếu cứ hỗ trợ theo lời hứa và những khó khăn của doanh nghiệp, chúng ta sẽ dễ thấy một khó khăn mới sau khi đã hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết khó khăn cũ.

Khu vực kinh tế tư nhân dù không được nhiều ưu đãi như các doanh nghiệp nhà nước nhưng đóng góp lại ngày càng áp đảo. Vì vậy, cần tập trung để phát triển khu vực có tính cơ năng của nền kinh tế trong tương lai này. Với hiệu quả tạo việc làm và đóng góp tăng trưởng cao, nếu được hỗ trợ tương xứng, khu vực này sẽ là động lực hỗ trợ khu vực nhà nước và cả nền kinh tế phát triển nhanh và năng động.

TS Trần Đình Thiên (Cầm Văn Kình ghi)

TUỔI TRẺ