Loại gỗ bất hợp pháp khỏi thị trường

Loại gỗ bất hợp pháp khỏi thị trường

Từ tháng 9.2010, các nhà cung cấp và công ty nhập khẩu đồ gỗ vào Mỹ phải đảm bảo rằng sản phẩm của họ được sản xuất từ gỗ có nguồn gốc hợp pháp, theo đạo luật Lacey.

Hôm nay, 27.8, mạng lưới kinh doanh lâm sản toàn cầu của quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (GFTN) và mạng lưới Kiểm soát buôn bán động, thực vật hoang dã (Traffic) sẽ tổ chức cuộc gặp với những doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ tại phía Nam thảo luận biện pháp để thực hiện đúng các quy định của đạo luật Lacey.

Các nguồn gỗ khai thác trong nước hay nhập khẩu đều phải hợp pháp khi đưa vào sản xuất đồ gỗ.

Cần khai báo chính xác

Theo lộ trình, từ tháng 5.2008 đến nay là thời gian để các doanh nghiệp làm quen với đạo luật Lacey và chính phủ các nước nghiên cứu đưa ra hệ thống quy chuẩn sao cho phù hợp với pháp luật của từng nước. Từ tháng 9.2010, các công ty nhập khẩu lâm sản tại Mỹ sẽ yêu cầu các công ty cung cấp đảm bảo rằng sản phẩm của họ được sản xuất từ gỗ có nguồn gốc hợp pháp và họ sẽ đòi hỏi một số giấy tờ kèm theo.

Việt Nam là một trong mười nước hàng đầu về xuất khẩu đồ gỗ trên thế giới. Bởi vậy, muốn duy trì thị trường tốt, Việt Nam phải thay đổi về luật pháp, chính sách phát triển lâm nghiệp ngày càng phù hợp với thông lệ quốc tế. Theo số liệu của Hội đồng quản trị rừng thế giới (FSC), đến nay Việt Nam đã có 191 nhà máy được chứng nhận sử dụng gỗ từ rừng trồng theo những tiêu chuẩn của FSC, dẫn đầu trong khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, đến nay, việc triển khai đạo luật Lacey vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Ông Chen Hin Keong, phụ trách chương trình Thương mại lâm sản toàn cầu của Traffic cho biết trong thời gian qua, các doanh nghiệp mới chỉ khai báo chứ chưa bị bắt buộc phải trình các giấy tờ liên quan. Chính vì vậy, nhiều doanh nghiệp tưởng là thực hiện đạo luật Lacey rất đơn giản nên khai báo không đúng, nhờ chính quyền địa phương ghi khống số lượng gỗ lên nhiều lần, để họ sẽ dễ dàng hợp pháp hoá những nguồn gỗ khác chưa có giấy tờ. Thực tế, diện tích rừng được cấp chứng chỉ FSC tại mỗi địa phương ở Việt Nam đều được các cơ quan chức năng trên thế giới nắm rõ. Mọi mắt xích trong chuỗi cung cấp sản phẩm đều được kiểm soát để loại gỗ lậu ra khỏi thị trường toàn cầu. Nhà sản xuất hay nhập khẩu đồ gỗ sẽ chịu những chế tài xử phạt nặng, bị tịch thu hàng hoá hoặc có thể bị bỏ tù nếu không thể chứng minh gỗ sử dụng có nguồn gốc hợp pháp.

Tuyên bố sử dụng nguồn nguyên liệu gỗ hợp pháp

Theo hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM (Hawa), doanh nghiệp vẫn lúng túng vì tuy cung cấp thông tin trung thực nhưng đến giờ cũng chưa biết những chứng từ mình làm có được phía Mỹ chấp nhận hay không. Trước tình hình này, Hawa hỗ trợ đào tạo doanh nghiệp đạt được chứng chỉ FSC-COC (tiêu chuẩn về chuỗi hành trình sản phẩm do FSC ban hành) để khi có yêu cầu của khách hàng hay hải quan Mỹ thì có thể cung cấp ngay. GFTN cũng sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam tìm kiếm nguồn gỗ có chứng chỉ FSC.

Tới đây, Liên minh châu Âu (EU) cũng yêu cầu các công ty nhập và bán gỗ vào thị trường EU phải giải trình nguồn gốc khai thác hợp pháp.

Chủ trương không tham gia vào việc khai thác, chế biến hoặc buôn bán gỗ bất hợp pháp ở bất kỳ thị trường nào, kể cả thị trường trong nước, ban chấp hành Hawa đã kêu gọi tất cả hội viên tự nguyện cùng tuyên bố tuyệt đối không sử dụng, mua bán bất kỳ loài động, thực vật hoang dã quy định trong Công ước quốc tế (CITES), trong danh mục các loài động, thực vật hoang dã của Việt Nam; bất kỳ loại thực vật nào được khai thác bất hợp pháp hoặc nguồn nhập khẩu có xuất xứ không rõ ràng.

Các Ngọc

Sài Gòn Tiếp thị