Tối thiểu hoá hậu quả Vinashin

Tối thiểu hoá hậu quả Vinashin

Cách tiếp cận đối với “con bệnh” Vinashin nên là làm sao để tối thiểu hoá hậu quả. Sài Gòn Tiếp Thị đã mời một số chuyên gia hiến kế giải quyết con nợ Vinashin trên tinh thần này.

Không còn là chuyện “nội bộ”

Hội nhập kinh tế cũng phải hội nhập về pháp lý. Với tư cách là một luật sư, ông Trương Trọng Nghĩa cho rằng, quá trình này diễn ra nhanh chóng trên thực tế mà nhiều khi Nhà nước cũng không biết hết được, chưa hình dung được. Vinashin phát hành 750 triệu USD trái phiếu trên thị trường chứng khoán New York là phải theo luật pháp quốc tế. Bản thân Vinashin cũng có một số hợp đồng vay ở nước ngoài và trong nước được soạn thảo, ký kết trên cơ sở không chỉ luật pháp Việt Nam mà cả quốc tế.

Vì vậy, theo ông Nghĩa, vụ Vinashin bây giờ không còn là chuyện Chính phủ Việt Nam tự giải quyết với nhau vì nó dính đến thị trường chứng khoán nước ngoài, đến trái phiếu mà người ta đã mua của mình, đến các hợp đồng vay nước ngoài (các hợp đồng vay trong nước lớn cũng theo mẫu hợp đồng quốc tế). Đến nay, chưa có sự rà soát nào xem những biện pháp chia tách Vinashin có phù hợp với các cam kết, hợp đồng ấy không. Trong khi đó, chắc rằng, các chủ nợ đang rà soát lại việc này. Với những hợp đồng vay lớn như Vinashin đã vay, thông thường, đều ghi con nợ được làm gì với tài sản của mình, bán tài sản cỡ nào đó thì phải báo cho chủ nợ biết chứ không thể tự động.

Ông Nghĩa cho rằng, việc tái cơ cấu bằng biện pháp hành chính cần phải được tư vấn bởi các chuyên gia pháp lý để phía Việt Nam và Vinashin đừng vi phạm những cam kết, hợp đồng đã ký. Ông cảnh báo: “Trong làm ăn, nếu không trả được nợ, trả chậm cũng là bình thường. Nhưng nếu như không trả được nợ mà cùng với việc vi phạm các cam kết, hợp đồng thì hậu quả sẽ nặng nề hơn. Các chủ nợ có thể sẽ căn cứ vào hợp đồng mà áp dụng các biện pháp nghiệt ngã hơn với Vinashin”.

Những hậu quả tất yếu

Đồng ý với ông Nghĩa, ông Lê Trọng Nhi, một chuyên gia tài chính có kinh nghiệm trong việc xử lý nợ ví von, nếu chủ nợ cho hai vợ chồng vay mà chẳng may vợ chồng ly dị thì phải báo cho chủ nợ biết vì nó liên quan đến chuyện tài sản. Hay như, nếu họ cho vay khi anh lành lặn, đủ mười ngón tay mà nay anh tự chặt mất một ngón thì họ phải suy nghĩ lại có cho anh vay tiếp hay không. Chuyện vay nợ của Vinashin cũng vậy. Nếu vi phạm các điều khoản hợp đồng về nghĩa vụ cung cấp thông tin, các chủ nợ có thể thực hiện quyền “chuyển nợ chưa đến hạn thành nợ đến hạn”.

Ông Nhi cho rằng, các đối tác liên quan đến Vinashin cũng có thể bị ảnh hưởng vì họ cũng đi vay. Ví dụ, có một công ty trúng hợp đồng thầu với Vinashin. Công ty này đi vay vốn để thực hiện hợp đồng đó. Hợp đồng vay có thể có quy định nếu hợp đồng với Vinashin thực hiện tốt thì không sao nhưng khi xảy ra chuyện thì bên đi vay phải trả nợ ngay lập tức. “Sẽ có tác động dây chuyền”, ông nhận định.

Ở một khía cạnh khác, trong vòng hai tháng nay, chỉ số tín nhiệm tín dụng của Việt Nam đã tụt hạng trong khi phải mất nhiều thời gian để làm cho nó nhích lên. “Thị trường thế giới sẽ nhìn vào cách ứng xử của Nhà nước Việt Nam chứ không riêng công ty nào (chi phí vốn vay sẽ đắt hơn – PV)”, ông dự báo.

Chính phủ nên chủ động “dập lửa” trước. Chính phủ cần tham vấn các chủ nợ để minh bạch rằng mình đang làm chủ tình hình, trấn an họ.

Chuyên gia tài chính Lê Trọng Nhi

Ông Nhi lo rằng, ta đã vi phạm nguyên tắc không phân biệt đối xử của WTO vì “trợ giá cho Vinashin một cách chính thức”. TS Phan Huy Hồng đến từ đại học Luật TP.HCM cũng chia sẻ nỗi lo này. Theo ông, nguyên tắc trên được xem xét trong mối quan hệ giữa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân, giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài. Việc cứu Vinashin bằng cách đề nghị các ngân hàng cam kết cho Vinashin vay, bây giờ các đối thủ cạnh tranh của Vinashin có thể để yên nhưng một khi đụng chạm đến quyền lợi của mình thì họ sẽ phản ứng. Ví dụ, nếu nhờ vậy mà Vinashin “sống dậy”, thắng thầu so với doanh nghiệp nước ngoài, họ có quyền yêu cầu chính phủ nước họ kiện Việt Nam vi phạm nguyên tắc này.

Chủ động “dập lửa” trước

Cách xử lý như hiện nay của chúng ta chưa tính đến các quan hệ quốc tế và ràng buộc pháp lý quốc tế. Theo ông Nhi, Chính phủ nên chủ động “dập lửa” trước. Chính phủ cần tham vấn các chủ nợ để minh bạch rằng mình đang làm chủ tình hình, trấn an họ. Bên cạnh đó, cần thống kê, xử lý những mối quan hệ tín dụng trong và ngoài nước xung quanh Vinashin. Đối với những khoản nợ đến hạn, có thể có tuyên bố sẽ bảo lãnh hết. Quan trọng nhất là cần nhanh chóng xử lý tài sản của Vinashin để bắt đầu lại hoạt động.

Dưới góc nhìn của một nhà nghiên cứu luật pháp, ông Hồng cho rằng, có một cách để tái cơ cấu Vinashin mà không phải sử dụng biện pháp hành chính là mở thủ tục phá sản doanh nghiệp nếu Vinashin lâm vào tình trạng phá sản. Theo ông Hồng, chính sự nhận thức sai về chuyện phá sản khiến chúng ta tránh vấn đề đó. Thực ra, mở thủ tục phá sản là nhằm mục đích và tại đa số các tập đoàn lớn việc này đều dẫn đến kết quả phục hồi doanh nghiệp. Đó cũng là cách chúng ta tôn trọng pháp luật của chính mình vì luật Phá sản quy định không cần đến khi các chủ nợ yêu cầu, bản thân người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp cũng phải đề nghị việc này.

Mỹ Lệ (ghi)

sài gòn tiếp thị