Vinashin và gánh nặng ngân sách

Vinashin và gánh nặng ngân sách

Cuối tuần trước, khi báo chí đồng loạt đăng tin việc phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đã giao bộ Tài chính xử lý đề nghị sử dụng một phần nguồn vốn trái phiếu quốc tế năm 2010 (300 triệu USD) để Vinashin trả nợ ngân hàng Natixis (Pháp), đã gây bất ngờ với nhiều người.

Tại cuộc họp báo do Văn phòng Chính phủ tổ chức ngày 4.8.2010, trả lời câu hỏi của một phóng viên, phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đã nói rằng, Chính phủ chỉ cấp đủ vốn điều lệ cho tập đoàn Công nghiệp tàu thuỷ Việt Nam (Vinashin) chứ không dùng tiền ngân sách để trả nợ thay cho tập đoàn này. Theo ông, Vinashin sẽ phải chuyển bán các tài sản, cổ phần hoá các công ty con; tiếp tục đầu tư, triển khai các dự án đang sản xuất… từ đó sẽ tạo nguồn để trả nợ. “Phần lớn các khoản nợ nước ngoài đều chưa đến hạn trả nợ. Nếu vực lại sản xuất, tập đoàn có lãi, sẽ tự trả được nợ khi đến hạn”, ông nói. Nhưng đáng lưu ý, trong buổi họp báo đó, phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng cũng nói thêm, “Chính phủ nếu thấy cần có thể phát hành thêm trái phiếu cho Vinashin vay. Khi tập đoàn này tự cân đối được thì trả lại”.

Cuối tuần trước, khi báo chí đồng loạt đăng tin việc phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đã giao bộ Tài chính xử lý đề nghị của Vinashin về việc sử dụng một phần nguồn vốn trái phiếu quốc tế năm 2010 (300 triệu USD) để Vinashin trả nợ ngân hàng Natixis (Pháp), thông tin này đã gây bất ngờ với nhiều người. Nhưng nếu nhắc lại điều phó Thủ tướng nói, rằng Chính phủ nếu thấy cần có thể phát hành trái phiếu cho Vinashin vay thì dường như đó là một diễn biến mà Chính phủ đã chuẩn bị từ trước.

Điều đáng ngạc nhiên ở đây là khoản tiền huy động từ phát hành trái phiếu quốc tế đầu năm 2010 (1 tỉ USD), theo kế hoạch ban đầu là dành cho tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), tổng công ty Lắp máy Việt Nam, tổng công ty Sông Đà vay để triển khai một số dự án lớn như nhà máy lọc dầu Dung Quất, dự án thuỷ điện Xê Ka Mản 3, thuỷ điện Hủa Na, dự án mua tàu vận tải. Vinashin lúc đó không có tên trong danh sách được sử dụng nguồn vốn này. Nhưng có lẽ do việc một số dự án, cơ sở của Vinashin trước đó đã được chuyển giao cho PVN nên phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng có yêu cầu Vinashin phối hợp với PVN “kiên trì” đàm phán với Natixis để xác định số tiền, thời điểm trả khoản vay mà Vinashin đã chuyển nghĩa vụ trả nợ cho PVN.

Nhưng nói rằng, Chính phủ không sử dụng ngân sách để trả nợ thay cho Vinashin sẽ gây không ít thắc mắc. Không chỉ ở câu chuyện tự dưng lòi ra một khoản nợ phải trả cho ngân hàng Natixis như trên mà còn ở nhiều khía cạnh khác. Trước hết không thể không đặt ra câu hỏi: vậy sau Natixis có còn những tổ chức tài chính nào khác trong và ngoài nước mà Vinashin còn nợ? Và số nợ của Vinashin có vượt quá con số mà Chính phủ đã công bố (trên 86.000 tỉ đồng) hay không? Liệu có còn phải dùng đến nguồn tiền phát hành trái phiếu quốc tế để trả nợ nữa không?

“Chính phủ nếu thấy cần có thể phát hành thêm trái phiếu cho Vinashin vay. Khi tập đoàn này tự cân đối được thì trả lại”.

Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng

Thứ hai, cứ tạm tin rằng ngân sách nhà nước sẽ không được trực tiếp trích ra để trả nợ cho Vinashin thì người ta vẫn có cơ sở để tin rằng, ngân sách nhà nước cũng sẽ bị mất mát đáng kể để giải quyết đống nợ nần của tập đoàn này. Ví dụ như việc lãnh đạo Vinalines cho biết, bảy tháng đầu năm nay, tổng công ty này lãi 700 tỉ đồng nhưng vì phải tiếp nhận các dự án, con tàu của Vinashin nên số lãi đó trở về con số không. Như vậy, ngân sách sẽ bị giảm thu từ các đơn vị có liên quan đến Vinashin, cụ thể như trường hợp Vinalines. Cho nên nói ngân sách nhà nước dù không trực tiếp thì cũng gián tiếp được sử dụng để xử lý khủng hoảng nợ của Vinashin là vì vậy.

Còn các khoản vay của Vinashin ở một số ngân hàng, tổ chức tín dụng trong nước được đề nghị khoanh nợ, giãn nợ thì sao? Về nguyên tắc, ai quyết định việc khoanh nợ ở ngân hàng, tổ chức tín dụng nào phải có trách nhiệm bù đắp cho khoản khoanh nợ đó (để không dẫn đến vỡ nợ dây chuyền). Ngân sách có phải chi ra, xử lý cho việc bù đắp đó không cũng lại là vấn đề đáng bàn.

Đại diện thường trú cao cấp quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tại Việt Nam, ông Benedict Bingham, trong hội thảo “Nợ công: kinh nghiệm quốc tế và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam” do uỷ ban Tài chính –ngân sách của Quốc hội tổ chức vào tuần trước, có nói rằng: “Nợ của Vinashin, Chính phủ không công khai bảo lãnh, kết quả không được phản ánh trong nợ công của Chính phủ nhưng thực tế các khoản trái phiếu và nợ mà tập đoàn này vay qua ngân hàng, Vinashin đổ nợ thì Chính phủ phải lo. Cho nên thông điệp tôi muốn nhấn mạnh ở đây là các khoản nợ ngầm là nguy cơ”.

Việc xử lý nợ nần của Vinashin có lẽ sẽ còn nhiều chuyện. Nhưng với những người nộp thuế thì mỗi thông tin thêm như chuyện phải sử dụng vốn trái phiếu quốc tế để trả nợ cho Vinashin đều gây nhói lòng, xót ruột. Cần công bố một lần, chi tiết các khoản nợ nần của Vinashin và giải pháp xử lý cả gói chứ không thể để cho câu chuyện này kéo dài, không được xử lý nhanh, dứt điểm, nay lòi ra khoản nợ này, mai khoản khác. Vì như vậy niềm tin của người nộp thuế vào việc Nhà nước sử dụng đúng đắn, có hiệu quả các khoản đóng góp của họ cho ngân sách sẽ bị suy giảm.

Mạnh Quân

SÀI GÒN TIẾP THỊ