Cơ hội đang mở từ "hiệp định thế kỷ"

Cơ hội đang mở từ "hiệp định thế kỷ"

Thủy sản là nhóm hàng mà Việt Nam có thể đẩy mạnh xuất khẩu vào Hoa Kỳ khi tham gia TPP

Được xem là “hiệp định thế kỷ”, Hiệp định Thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang mở ra cả cơ hội cũng như thách thức, bởi nội dung bao trùm cùng tính phức tạp của Hiệp định.

“Các nhà sản xuất, cung cấp dịch vụ của Hoa Kỳ rất quan tâm tới TPP. Nếu TPP ‘thế hệ tiếp theo’ được thiết lập, thì sẽ mở ra cơ hội mới cho doanh nghiệp của Hoa Kỳ tại Việt Nam và Malaysia”, Luật sư Jay L. Eizenstat (Công ty Luật Miller & Chevallier - Hoa Kỳ) phát biểu tại hội thảo mới đây về những thách thức và cơ hội của Việt Nam khi tham gia TPP.

Là chuyên gia từng giới thiệu nhiều chính sách luật của Hoa Kỳ tại Việt Nam, ông Jay L. Eizenstat cho rằng, trong số các nước tham gia đàm phán TPP “thế hệ tiếp theo”, bao gồm Australia, Chile, Peru, Singapore, Việt Nam, Hoa Kỳ, Brunei và New Zealand (từ vòng đàm phán thứ 3 tại Brunei, có thêm Malaysia), Hoa Kỳ có cơ hội mở thêm thị trường tại Việt Nam và Malaysia. Nhìn ở chiều ngược lại, các doanh nghiệp Việt Nam cũng sẽ được lợi lớn khi có thêm thâm nhập sâu vào thị trường rộng lớn với mức cắt giảm thuế quan lớn như Hoa Kỳ.

“Tham gia hiệp định thương mại tự do khu vực toàn diện sẽ tạo cho Việt Nam bước nhảy vọt về phát triển kinh tế, thúc đẩy xuất khẩu, thuận lợi trong thương mại và nâng hiệu quả chuỗi cung ứng. Quy mô của TPP rộng lớn sẽ giúp Việt Nam thu hút thêm nhiều nhà đầu tư mới. Chẳng hạn, trong lĩnh vực dịch vụ, với những chuẩn mới được thiết lập, Việt Nam sẽ thu hút được nhiều nhà đầu tư vào lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm…”, ông Jay L. Eizenstat phân tích.

Nhìn ở lợi ích trước mắt, ông Jay L. Eizenstat cho rằng, Việt Nam có thể sớm tăng xuất khẩu vào Hoa Kỳ với các mặt hàng thủy sản, dệt may, da giày, đồ nội thất.

Khi nghĩ tới hiệp định thương mại tự do (FTA), ngay lập tức, người ta nghĩ tới việc cắt giảm thuế quan đối với hàng hóa. Song, theo ông Jay L. Eizenstat, TPP là hiệp định, mà theo đó, sẽ đặt ra hàng loạt cam kết, cũng như các vấn đề cần phải giải quyết cho các nước thành viên.

Nói như LS. Trần Hữu Huỳnh, Trưởng ban pháp chế (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI), TPP là “hiệp định thế kỷ” và nó sẽ khiến các cơ quan chức năng của Việt Nam phải cân nhắc rất nhiều xung quanh việc đàm phán.

Những thách thức mà các chuyên gia chỉ ra cho doanh nghiệp khi Việt Nam là thành viên của TPP là khá lớn. Trong đó, TPP đề cập nhiều lĩnh vực rất nhạy cảm, như quyền thành lập nghiệp đoàn, tham gia hiệp định mua sắm chính phủ, các quy tắc cứng rắn về xuất xứ hàng hóa…

Đặc biệt, theo ông Jay L. Eizenstat, Hoa Kỳ sẽ không chấp nhận việc phân biệt giữa các nền kinh tế trong TPP khi thực hiện cam kết. Có nghĩa là, FTA sẽ không cho phép Việt Nam và một số nền kinh tế đang phát triển được phép chậm thực thi các cam kết hơn so với các quốc gia khác.

Đáng lưu ý là, dù tham gia TPP, Việt Nam cũng sẽ không thoát khỏi nguy cơ bị điều tra chống bán phá giá, hoặc hạn chế sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại từ Hoa Kỳ...

Từ những vấn đề nói trên, các chuyên gia cho rằng, việc tham vấn ý kiến doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực khi tiến hành đàm phán TPP là rất cần thiết với cơ quan quản lý. Điều này sẽ giúp các thành viên đoàn đàm phán lựa chọn và cân nhắc lợi ích giữa các nhóm một cách tốt nhất.

Theo ông Trần Hữu Huỳnh, trong đàm phán thương mại, việc cân nhắc giữa lợi ích nhóm ngành hàng này và nhóm khác là rất cần thiết, nhất là ở một hiệp định quan trọng như TPP.

Tại hội thảo nói trên, VCCI cũng đã phát một phiếu lấy ý kiến xung quanh lĩnh vực đàm phán, như thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ, quyền sở hữu trí tuệ, đầu tư, lao động, môi trường cùng nhiều vấn đề khác.

Hiện chưa thể đánh giá mức độ tác động của TPP với Việt Nam ở các lĩnh vực cụ thể (việc tiến hành nghiên cứu phụ thuộc vào phản ánh của doanh nghiệp), nhưng để tận dụng cơ hội, cũng như giảm thiểu tác động từ TPP, các doanh nghiệp cần chủ động ngay từ bây giờ.

Duy Đông

đầu tư