Trả nợ chậm và cổ phiếu Vinashin

Trả nợ chậm và cổ phiếu Vinashin

“Vinashin đã vay thì Vinashin phải trả, không ai có thể trả thay. Chúng tôi sẽ tổ chức sản xuất, bán dự án công ty không liên quan đến lĩnh vực chính, cổ phần hóa... để trả nợ. Trong số các doanh nghiệp chúng tôi giữ lại, còn rất nhiều công ty TNHH một thành viên 100% vốn nhà nước. Năm tới chúng tôi sẽ cổ phần hóa và sẽ trả được nợ”, ông Nguyễn Ngọc Sự, Chủ tịch Hội đồng thành viên Vinashin, phát biểu trong cuộc họp báo ngày 19-11-2010 về tình hình kinh doanh cũng như các khoản nợ của tập đoàn.

Ông nhấn mạnh Vinashin xin chậm trả nợ một năm đối với 600 triệu đô la Mỹ vay của nước ngoài mà Credit Suisse là tổ chức môi giới.

Thông điệp của Vinashin lần này rõ ràng: chính tập đoàn sẽ trả nợ và một trong những phương thức tạo tiền để trả nợ là cổ phần hóa. Từ nhiều tháng nay, các chủ nợ nước ngoài vẫn kỳ vọng Chính phủ sẽ đứng ra trả nợ cho Vinashin hoặc cho Vinashin vay để trả. Quan trọng là Vinashin chỉ xin chậm trả, chứ không chối bỏ nợ. Trong trường hợp này các chủ nợ vẫn còn may mắn vì nếu Vinashin phá sản, khả năng đòi được nợ của họ thấp hơn nhiều.

Vinashin có lỗi, không ai phủ nhận chuyện đó. Tuy nhiên, các chủ nợ cũng phải xem lại việc cho vay của chính mình. Nếu họ thẩm định các dự án của Vinashin kỹ lưỡng hơn, đa chiều hơn, cũng như kiểm soát chặt chẽ đường đi của đồng vốn hay nói cách khác là cân nhắc hiệu quả việc sử dụng vốn, thì họ đã không ở vào tình thế tiến thoái lưỡng nan hiện tại. Bởi cho Vinashin trả chậm một năm tức là phải trích dự phòng rủi ro cho khoản vay đó. Còn nếu cứ kiên quyết đòi ngay cho bằng được, Vinashin cũng không thể trả tức thì. Credit Suisse đã nhận hàng triệu đô la Mỹ tiền môi giới cũng phải có trách nhiệm. Giả sử không có Credit Suisse môi giới, và Vinashin không vay được tiền, biết đâu họ lại không có cơ hội đầu tư tràn lan, dẫn đến hậu quả như ngày hôm nay.

Từ trước đến nay, mục tiêu hàng đầu của cổ phần hóa là thay đổi phương thức quản trị doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả kinh doanh, đồng thời tạo công ăn việc làm cho người lao động. Ít có đơn vị nào xác định cổ phần hóa để có tiền trả nợ vì trước khi bán cổ phần, theo quy định, phải xử lý nợ. Còn thặng dư bán cổ phần, nếu có, phải nộp vào ngân sách qua kho bạc. Doanh nghiệp được giữ lại bao nhiêu phần trăm thặng dư là do cơ quan chủ quản nhà nước quyết định. Vì thế nói cổ phần hóa một số doanh nghiệp trực thuộc của Vinashin, giúp tập đoàn trả nợ xem ra không ổn.

Hơn nữa, thị trường chứng khoán đang trầm lắng và có thể chưa sôi động trong năm sau, các đợt phát hành cổ phiếu ra công chúng của nhiều công ty mà đa phần trong số họ kinh doanh có lời, đang ế ẩm, liệu ai sẽ mua cổ phần các công ty con của Vinashin đây? Nhà đầu tư nào dám bỏ tiền vào Vinashin và chờ một vài năm tập đoàn trả hết nợ? Chưa kể khả năng làm ra lợi nhuận của Vinashin trong tương lai vẫn còn để ngỏ. Từ năm 2009 đến nay, Vinashin vẫn đang lỗ và lộ trình lỗ chưa chấm dứt. Nhìn từ đây, hẳn các chủ nợ nước ngoài sẽ chưa thể an tâm về sự chắc chắn của thời điểm trả nợ của tập đoàn công nghiệp tàu thủy này.

Hải Lý

tbktsg