Vinashin mơ về GM ?

Vinashin mơ về GM ?

Thủ tướng vừa ký quyết định phê duyệt Đề án tái cơ cấu Vinashin, với mục tiêu sớm ổn định sản xuất kinh doanh, giảm lỗ, từng bước củng cố uy tín, thương hiệu và tiến tới có lãi, trả được nợ, tích lũy và phát triển.

Theo đó, Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy (Vinashin) sẽ tập trung vào ba lĩnh vực chính, gồm công nghiệp đóng và sửa chữa tàu biển với quy mô phù hợp; công nghiệp phụ trợ phục vụ cho việc đóng và sửa chữa tàu biển và đào tạo nâng cao tay nghề cho đội ngũ cán bộ công nhân công nghiệp tàu biển.

Thời gian tái cơ cấu bắt đầu từ năm 2011 đến hết năm 2013. Theo đó, mô hình tập đoàn Vinashin sau khi tái cơ cấu sẽ là tổ hợp các DN hoạt động trong lĩnh vực đóng và sửa chữa tàu biển, công nghiệp phụ trợ, đào tạo, phục vụ đóng và sửa chữa tàu biển, gắn bó chặt chẽ và lâu dài với nhau về lợi ích kinh tế, công nghệ, thị trường. Mô hình tập đoàn sẽ gồm công ty mẹ, công ty con, công ty liên kết, đơn vị sự nghiệp hoạt động theo quy định của pháp luật và Điều lệ tổ chức và hoạt động.

Bài học tái cơ cấu DN nhìn từ GM khi vừa công bố mức lợi nhuận sau thuế cho quý II đạt 1,3 tỷ USD. Đây là mức lợi nhuận cao nhất của tập đoàn này kể từ năm 2004. Liệu việc sắp xếp các DN còn lại trong tổ hợp Vinashin hiện nay với các hình thức: cổ phần hóa, bán DN, bán nợ, chuyển nợ thành vốn góp, chuyển nhượng phần vốn góp, giải thể, phá sản... có đạt hiêu quả ? Cũng như GM, Vinashin đang kỳ vọng sẽ trở lại thành tập đoàn công nghiệp mũi nhon của nên kinh tế VN, trong thời gian tới.

Xét về lợi thế so sánh, Vinashin và GM có khá nhiều điểm tương đồng, cùng là những tập đoàn mũi nhọn của nền kinh tế, có những lợi thế về vị trí địa lý và thị trường cũng như thương hiệu mang tầm quốc tế. Tuy nhiên, phương thức tái cơ cấu lại có sự khác nhau. Việc chia nhỏ Vinashin trong một bối cảnh chưa đủ tiềm lực về tài chính như GM liệu có tạo nên sự khác biệt đáng kể ? Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, Vinashin muốn thoát khỏi cuộc khủng hoảng hiện nay phải bắt nguồn từ nguyên nhân ban đầu. Đây chính là khâu quản trị và giám sát. Quản trị DNNN muốn có sự đột phá khác biệt phải có động lực và tìm được người thực tài. Còn việc giám sát lại phụ thuộc nhiều vào khâu công khai minh bạch thông tin của DN. Quyết tâm chính trị đã có chỉ còn trông chờ sự nỗ lực triển khai. Dư luận đang kỳ vọng vào một tương lai tươi sáng của Vinashin. Với mong muốn, đây sẽ là hình mẫu cho việc tái cơ cấu các tập đoàn kinh tế, DNNN trong thời gian tới.

Bá Minh

diễn đàn doanh nghiệp